Thêm góc nhìn về tính - cách - Quảng Phan Khôi

ANH QUÂN 17/11/2021 16:57

(QNO) - Là một người mang đậm tính - cách - Quảng, ham học hỏi, nghiên cứu và “hay cãi” một cách thẳng thắn, nên nhà thơ, nhà báo, học giả Phan Khôi (1887-1959) để lại cho đời sống văn học, báo chí, nghiên cứu, dịch thuật... Việt Nam một tài sản lớn về tác phẩm cũng như phẩm giá của mình. Cuộc đời trầm luân trước buổi giao thời của ông cũng để lại những “khoảng trống” vẫn chưa thể làm sáng tỏ. Với tấm lòng của người con và sự nghiêm túc trong học thuật, tác giả Phan An Sa vừa ra mắt cuốn “Tôi với Thầy tôi - Phan Khôi” (NXB Đà Nẵng, 2021) với nhiều tư liệu mới, khoa học và sắc sảo.

 

Phan An Sa là con út của bà vợ thứ hai - Nguyễn Thị Huệ, của Phan Khôi; và ông gọi cha mình bằng “thầy”. Hơn 13 tuổi, đang học lớp 5 hệ mười năm, ông đã mồ côi cha và tính ra một đời làm con, ông chỉ được sống cùng cha có 2 tháng hè năm 1958.

“Tôi bị thiệt thòi so với các anh chị là không được sống gần Thầy tôi nhiều hơn để được ông yêu thương, để được ông dạy dỗ, để con hiểu cha, để tình cảm cha con bền chặt” - ông cho biết. Chính vì vậy, năm 2006, khi nghỉ hưu, sống với nguyên tắc mới “chỉ làm những việc mình thích”, với sở thích cao nhất là viết về cha mình, ông dành toàn tâm toàn ý cho công việc đó và tâm niệm “chỉ cốt dựng lại đầy đủ sự thật của Thầy tôi”.

Một trong những việc đó, theo Phan An Sa, “việc đơn giản nhất là đính chính một số nhầm lẫn trong tiểu sử của ông”. Trong đó, đính chính ngày sinh của Phan Khôi là ngày 6.10.1887 (nhằm ngày Hai mươi tháng Tám Đinh Hợi); mất lúc 11 giờ trưa ngày 16.1.1959 (mồng Tám tháng Chạp Mậu Tuất), và về tặng vật của Hồ Chủ tịch cho Phan Khôi…

Không chỉ đính chính các sự kiện, Phan An Sa phản bác lại những kẻ lợi dụng cuộc đời Phan Khôi để nói những điều không đúng. Trong bài “Không được xuyên tạc và bịa đặt”, ông thẳng thắn chỉ trích tác giả bịa ra hình ảnh đám tang Phan Khôi là “lợi dụng mọi chuyện đã lùi sâu vào quá khứ, ông cố tình bịa đặt và xuyên tạc sự thật, thì là ông xiển dương Ông Cụ, hay làm Ông Cụ đau lòng?”.

Hay trong bài “Xóa một cái án về dịch thuật: Thân oan cho dịch giả Phan Khôi”, để làm rõ việc Phan Khôi dịch chữ “khoai tây” trong tiếng Pháp thành “khoai nhạc ngựa”, qua sưu tầm 2 mẩu bài viết trên báo Cứu Quốc ngày 5.8.1956 và ngày 19.8.1956, Phan An Sa khẳng định: “Nhà dịch thuật kỳ cựu ấy cố tình dịch theo lối “nghịch nhĩ” như vậy chỉ để phản đối, chỉ để cảnh cáo một thứ học phiệt mới xuất hiện dưới thời dân chủ cộng hòa - tuy không hẳn giống với thứ học phiệt mà chính ông đã chỉ trích đích danh trên báo chí hồi năm 1930 - nhưng nó vẫn là học phiệt và thứ học phiệt đó còn được bảo vệ bằng thứ quyền lực bất khả xâm phạm”.

Đặc biệt, về bài thơ “Tình già” được xem là mở đầu cho Thơ mới Việt Nam (1932-1945), trong bài “Phần hồn và phần xác bài thơ Tình già”, Phan An Sa kiên quyết yêu cầu trả bài thơ này về đúng nguyên văn “10 dòng” và các chữ, dấu câu đăng lần đầu trên Tập văn mùa xuân của báo Đông Tây số Tết Nhâm Thân 1932, ở Hà Nội, chứ không phải bản đăng ở báo Phụ nữ tân văn số 122 ngày 10.3.1932 sau đó trong Sài Gòn, và nhất là những “tam sao thất bổn” gần 90 năm qua.

Ông cho rằng “Nói về phần xác và phần hồn của bài thơ Tình già là nói về yêu cầu phải bảo tồn nó nguyên vẹn từ việc ghi nhận thời điểm công bố lần đầu tiên, đến việc bảo tồn cả hình thức lẫn nội dung của bài thơ”.

Đồng thời, với những tư liệu dày công tìm được, trong cuốn “Tôi với Thầy tôi - Phan Khôi”, Phan An Sa làm rõ thêm những mối quan hệ giữa Chương Dân Phan Khôi với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Phan Khôi với Vũ Hoàng Chương...; những trước tác của Phan Khôi gần đây mới được tìm thấy hay những góc khuất từ Nhân văn - Giai phẩm với cái nhìn của người mấy mươi năm sau.

Trong bài “Hai bài thơ của Phan Khôi ẩn mình 73 năm ở Sài Gòn” là “Xuân Áng tức cảnh” 1 và 2, Phan An Sa đưa ra nhận định nhằm cung cấp thêm tư liệu về hành trạng của Phan Khôi: “Như vậy, nhiều khả năng Phan Khôi làm bài thơ này vào đầu năm 1947, là thời gian ông sống và làm việc tại Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ; trước khi ông cùng các cơ quan văn hóa, văn nghệ di chuyển tới những địa phương khác như Chiêm Hóa (Tuyên Quang) hay Đại Từ (Thái Nguyên)”...

Lời mở đầu sách “Tôi với Thầy tôi - Phan Khôi” của Phan An Sa, cũng là lời kết thật đúng cho bài viết này: “Và cuối cùng, bạn cứ thử ngẫm mà xem, đành rằng cuốn sách viết về Thầy tôi, nhưng nếu nó được bạn yêu mến, thì tức là bạn và tôi, hai chúng ta, đã góp thêm một viên gạch đế xây đắp cho đến khi hoàn thành con đường dẫn tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người; con đường đó đã được những người tiên tiến nhất, dũng cảm nhất dấn thân đặt những viên gạch đầu tiên!”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm góc nhìn về tính - cách - Quảng Phan Khôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO