Về quê cụ Phan Châu Trinh

PHÚ BÌNH 19/03/2023 04:23

Làng Tây Lộc (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, Phú Ninh) - quê cụ Phan Châu Trinh hiện còn lưu nhiều dấu tích có liên quan đến thời trai trẻ của nhà chí sĩ yêu nước kiệt xuất với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở thôn Tây Lộc.
Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở thôn Tây Lộc.

Đến Tây Lộc, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc hùng vĩ của núi non, thôn xóm, ruộng đồng… Phía tây thôn, đồi bà Bóng trải dài ôm gọn cả làng; hướng về đông, cánh đồng xứ Bồ Lúa tốt tươi từng được người làng tự hào là “Đồng Nai con” - một vựa lúa được ví như một phần của ruộng đồng phì nhiêu Nam Bộ.

Trên cánh đồng bên đường vào làng, nhô lên những tảng “đá trèo”, “đá bộng” rất sống động - từng là nơi nô đùa của cậu bé Phan Châu Trinh thời thơ ấu. Giữa đồng Bồ Lúa, từng có một hồ sen lớn, đến nay dấu tích vẫn còn.

Từ hồ sen ấy, hướng về phía mặt trời lặn, sát sườn đồi là ngôi nhà mà cụ Phan Châu Trinh từng sống những ngày thơ ấu, từng được thầy học kèm cặp tại nhà, từng bộc lộ khí phách lạ thường… trước khi trở thành nhà khoa bảng, nhà duy tân, nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng.

Làng Tây Lộc xưa

Tra trong danh sách làng xã vùng Nam Quảng Nam được ghi trong sách Phủ biên tạp lục (1776), chỉ tìm thấy một số tên làng lân cận nhưng không thấy tên Tây Lộc. Tra trong các nghiên cứu về địa bạ thời Gia Long, Minh Mệnh cũng không tìm thấy tên làng Tây Lộc.

Trong Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1887) có tên làng Tây Lộc thuộc tổng Vinh Quý huyện Hà Đông. Bản đồ của người Pháp lập khoảng trước năm 1938 thể hiện rất rõ vị trí làng Tây Lộc nằm giữa các làng Lộc Sơn (tây), Ngọc An/Yên (bắc), Tú Tràng, Đại Đồng (đông), Bình An/Yên, Tú Cẩm (nam). Bản đồ này cũng ghi chú rất rõ các núi Đá Ngựa, Lâm Cẩm, Long Cẩm nằm ở các vị trí bao bọc đồi Bà Bóng của làng.

Vị trí làng Tây Lộc được khái quát trong câu đối hiện được đặt trước nhà thờ tộc Phan như sau: “Càn triều tây bắc sơn tổ ngự/ Cấn chiếu đông nam thủy lộ bao” (hướng Càn - phía tây bắc có núi non hùng vĩ án ngữ/ hướng Cấn - phía đông nam bao bọc bởi các dòng nước chảy qua cánh đồng làng).

Tây Lộc là một trong những vùng cung cấp lương thực chủ yếu cho phong trào Nghĩa hội Cần vương ở Nam Quảng Nam (1886 - 1887), vì thế, sau khi phong trào này bị thất bại, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã bố ráp dữ dội vùng này. Tiếp đến là nhiều lần khói lửa chiến tranh, toàn bộ tư liệu về làng xã, kể cả nhiều tư liệu của các gia tộc đều không còn.

Hiện còn rõ nhất là mộ của một số thân nhân chí sĩ Phan Châu Trinh an vị trong nghĩa trang gia tộc.

Có thể kể: mộ ông Phan Văn Cừ (anh ruột - người nuôi dưỡng Phan Châu Trinh sau khi cha cụ lâm nạn năm 1887), mộ ông bà Phan Văn Bình và Lê Thị Chung (thân phụ và thân mẫu cụ Phan), mộ bà Lê Thị Tỵ (1877 – 1915, vợ cụ Phan) và mộ người con trai đầu của cụ Phan là Phan Châu Dật (1897 - 1921).

Ông Dật từng theo cha sang Pháp học hành và là trợ thủ đắc lực cho hoạt động cách mạng của cha mình. Về sau, do bệnh, ông Dật hồi hương rồi qua đời tại Huế.

Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh

Nhà thờ được xây mới trên nền nhà cũ vốn đã bị hủy hoại trong khói lửa chiến tranh. Sau khi hòa bình lập lại, hậu duệ cụ đã đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước xây dựng lại. Nay nơi ấy là Nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh, có bằng công nhận “Di tích cấp quốc gia” được treo trang trọng trong nội điện.

Gian chính giữa đặt bàn thờ với bức tượng bán thân thể hiện rất sắc nét thần thái nhà chí sĩ. Bức hoành “Chính khí trường lưu” và câu đối “Thành bại anh hùng nan định luận/ Bách niên tâm sự tự chiêu chương” trước bàn thờ được trang trí rất uy nghiêm.

Hai gian bên, trên vách và trên các tủ tư liệu, treo rất nhiều hình ảnh và trình bày nhiều sách vở lưu dấu hành trình từ lúc tham gia khoa cử (đỗ Phó bảng triều Nguyễn) đến khi vận động Duy tân, sau đó bị bắt đày ra Côn Đảo.

Ra tù tìm cách sang Pháp tiếp tục con đường vận động cách mạng tư sản dân quyền, rồi lại tiếp tục vào tù ở chính thủ đô nước Pháp; ra tù, lại tiếp tục hành trình vận động cách mạng theo quan điểm của riêng mình.

Những bức ảnh sống động về lễ tang của nhà chí sĩ ở Sài Gòn năm 1926 đã khép lại khu trưng bày tạo nên một cảm giác bùi ngùi mà kính cẩn thiêng liêng trước anh linh người con xứ Quảng anh hùng đã từng làm chính quyền thực dân phong kiến kính sợ.

Mấy chuyện kể từ Tây Lộc

Ông Phan Cư (sinh năm 1947 ở thôn Tây Lộc) là hậu duệ trực hệ cụ Phan Văn Cừ - anh ruột của cụ Phan cho biết thuở nhỏ ông từng nghe bà nội và các bậc cao niên kể nhiều giai thoại về cụ Phan Châu Trinh. Đến nay, ông còn nhớ hai chi tiết đặc biệt.

Biệt hiệu Tây Hồ đã được cụ Phan dùng cho mình ngay từ thuở còn học trong làng. Tây Hồ nghĩa là “người ở phía tây của hồ sen”. Hồ ấy nguyên là một cái ao rộng giữa cánh đồng Bồ Lúa thuộc đất của ông Phan Văn Cừ.

Khi cụ Phan còn rất nhỏ, tự dưng ao ấy mọc đầy sen. Ông Cừ cho là điềm lạ bèn dâng đất ấy cho làng và mời thầy về nhà dạy cho con cháu và con em trong làng. Từ đó làng có nhiều người học hành, nổi trội nhất là Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh rất ghét bọn tay sai thực dân. Thuở chưa rời làng, ông đã từng viết bài vè “Chó săn” nổi tiếng. Xin trích vài câu trong đó: “...Mày tự cậy rằng mình tài trí/ Tài trí mày ai kể ra chi!/ Chẳng qua mượn thế làm uy/ Tìm sâu vạch lá, soi tì vạch lông/ Không nghĩ tới tổ tông ngày trước/ Mày làm chi những điều nhơ nhuốc khó coi/ Đêm ngày rình bắt giống nòi/ Cho người làm thịt, cho người lột da/ Được công trạng chủ nhà ân thưởng/ Phần thưởng này đã sướng hay chưa?/ Chẳng qua xương vụn thịt thừa/ Món ngon vật lạ ai đưa cho mày?...”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về quê cụ Phan Châu Trinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO