Các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp mạnh - đặc biệt tại những khu vực giáp ranh với các tỉnh thành đang bùng phát dịch, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh...
Quản lý người lao động ngoại tỉnh
Chị P.T. và anh H.H. là nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Hai vợ chồng có nhà tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Hằng ngày, bệnh viện đều có xe đưa đón nhân viên từ Quảng Ngãi ra Núi Thành. Tuy nhiên, sau khi Quảng Ngãi triển khai thực hiện giãn cách xã hội, những chuyến xe đưa đón nhân viên phải tạm dừng.
“Hiện tại chúng tôi được yêu cầu làm việc tại nhà cho đến khi có quyết định từ UBND tỉnh” - chị P.T nói. Ngược với hoàn cảnh của vợ chồng chị T. khi không thể đến tại đơn vị làm việc, nhiều lao động có nhà tại Quảng Ngãi hiện phải ở lại nơi làm việc của mình.
Theo ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, để bảo đảm an toàn cho công nhân và cộng đồng, ổn định sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp phòng dịch hiệu quả. Ngoài yêu cầu nhân viên thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng Bluezone, tờ khai y tế, bố trí phòng cách ly tạm thời theo đúng quy định khi có trường hợp nghi mắc Covid-19..., tại khu vực sản xuất, công nhân làm việc trong điều kiện được thực hiện giãn cách tối đa có thể.
Ngày 10.7, UBND tỉnh có văn bản tăng cường quản lý người lao động thường trú ở Quảng Ngãi làm việc tại Quảng Nam, người vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ địa phương đi Quảng Ngãi và ngược lại.
Theo đó, đối với người lao động thường trú tỉnh Quảng Ngãi đang làm việc tại Quảng Nam, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cần tạo điều kiện cho lao động ở lại đơn vị, doanh nghiệp hoặc thuê nhà trọ.
Đồng thời tuyệt đối không để người lao động về lại địa phương, trong thời gian Quảng Ngãi đang thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Hạn chế tối đa việc giao, nhận, phân phối hàng hóa, nguyên vật liệu với các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Quảng Ngãi cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh trong thời gian không thể về nhà do quy định kiểm soát dịch bệnh.
“Theo tôi được biết, Công ty Thaco Trường Hải đang tổ chức khá tốt việc hỗ trợ chỗ lưu trú cho người lao động của doanh nghiệp này. Các cơ sở khác cũng đã có nhiều động thái tạo điều kiện cho người lao động của doanh nghiệp mình” - ông Dũng nói. Hiện Quảng Nam có khoảng 55 nghìn lao động tại các khu công nghiệp, chưa kể số lao động ở các cụm công nghiệp và các địa phương.
Núi Thành siết chặt hoạt động tại cảng cá
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương đã yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động tập trung đông người. Ngoài ra, nhiều biện pháp kiểm soát được Núi Thành triển khai khi địa phương này là địa bàn giáp ranh với Quảng Ngãi.
“Hiện nay một số nơi của Núi Thành đã qua ngày thứ 7 phong tỏa vì liên quan đến bệnh nhân Covid-19 là người bán rau quả. Các quán nhậu và nơi có bán hàng rong... đều được yêu cầu tạm dừng. Ngoài ra tại Núi Thành hiện có 3 chốt chính gồm 1 chốt của tỉnh và 2 chốt của huyện. Tại các xã cũng thành lập những chốt kiểm soát đường mòn lối mở nhằm kiểm tra và ngăn chặn người từ Quảng Ngãi về” - ông Ngô Đức An nói.
Xác định một trong những nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập là nguồn lây từ người lao động hoạt động trên biển, Núi Thành đã yêu cầu lực lượng tại các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền các xã ven biển tăng cường phòng chống dịch tại các cảng cá. Các phương tiện và ngư dân ra vào cảng đều được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Ông Ngô Đức An cho biết thêm, đối với các tàu cá ngoài tỉnh khi cập cảng, địa phương yêu cầu thuyền trưởng, thuyền viên không lên bờ, tổ chức bốc dỡ hàng hóa nhanh, khẩn trương nhập nguyên liệu, sau đó đề nghị các thuyền nhanh chóng rời cảng. Ngoài ra, các tàu, thuyền ngoài tỉnh có thể dùng phương án trung chuyển hải sản, sản phẩm khai thác trong vùng nước cảng để hạn chế tiếp xúc với người dân tại cảng.
“Chúng tôi yêu cầu tất cả tàu thuyền có khai báo lịch trình, đồng thời người lao động trên tàu có thời gian đánh bắt dài ngày tại các khu vực không liên quan đến dịch bệnh mới được phép cập cảng” - ông Ngô Đức An nói. Núi Thành cũng đang tính toán phương án sẽ thực hiện test nhanh Covid-19 cho các tàu cá khi cập cảng, đặc biệt là các tàu cá ngoại tỉnh.