Nhanh và chậm

TRUNG VIỆT 16/04/2017 08:20

Lâu lâu lại nghe ai đó mình quen bị ung thư. Phản ứng đầu tiên là “ủa, rứa hả?”, không ngạc nhiên, cũng chẳng bình thường, bởi bây giờ ung thư đủ thứ, phổ biến, bất luận ai cũng có thể dính. Tâm trạng có thật sau đó là nhớ mình đã quen biết người đó ra sao, thân sơ thế nào, nặng hơn chút nữa là nghĩ gia cảnh vợ con cha mẹ. Vậy đó, tuyệt nhiên chẳng nghĩ họ giàu nghèo sang hèn giỏi dốt, họ đã đang và sẽ làm gì, bởi đặt những thứ đó trước bệnh ung thư, dứt khoát nhận được cái cười nhếch mép, đó là chưa nói chuyện trăm năm thân thế như bụi rác. Vô nghĩa toàn tập.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: Internet
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Có người bạn bị bệnh nặng, nhưng dứt khoát không cho ai biết, khi biết rồi không cho thăm, không muốn tiếp đón, không nhận lời an ủi, hỏi han. Với người Việt, đó là điều không nên, bởi vậy là phủ nhận cái tình của kẻ khác. Nhưng người này lập luận: Không chi tệ hại bằng đang khỏe, vui, bỗng như mớ giẻ rách, cảm giác tới thăm người đau ốm, theo tôi, là càng khiến họ thấy họ tệ hại. Tôi không muốn điều đó. Đau, đồng nghĩa là tự mình chịu trách nhiệm với mình, là cô đơn, mà cô đơn là không thể chia sẻ, đừng bao giờ lấy ngoại cảnh cho bớt muộn phiền. Vậy là công lực cao hay sở thích? Không biết, chỉ muốn vậy.

Mới đây, nhà văn Quỳnh Dao có di chúc dặn con, rằng nếu bà chết thì không cho ai biết, không tổ chức tang ma, khóc lóc, hoa hòe, cứ thiêu, không làm phiền người khác, bởi bà muốn không ai phải khóc phải khổ vì mình. Sống như vậy là có trách nhiệm với bản thân và đám đông. Sống, dù cỡ nào đi nữa, cũng bị ràng buộc với thiên hạ, nên quyền được chết một mình, cũng nên xem là quyền tự do tối thượng, ít ra mình được sống cho chính mình. Đó là đỉnh cao của nhận thức về tự do.

Nhưng thiên hạ được mấy người như thế, nhất là ở nước mình, khi bao nhiêu năm dồn nén, bây giờ phương tiện để cho kẻ khác biết mình ra sao,nhiều quá trời. Cái này không phải là điều dở, nhưng hình như đó không phải là tất cả để nói rằng tôi đang tồn tại. Một điều có thực, là chẳng ai sống giúp ai được, dẫu có là tri kỷ cật ruột, cũng chẳng hít thở thay mình, chẳng chết thay mình được. Nhưng, nhân  danh sự sẻ chia, vì cộng đồng, đạo lý, nghĩa tình, bao giờ cũng choán hết niềm riêng. Không quan tâm đến, là áy náy trong lòng, không khéo bị phang cho một câu: loại vô tình vô nghĩa! Mà phán xét này dễ  được đám đông đồng tình. Câu nói xưa “cái quan định luận”, đôi khi bị hiểu tào lao. Nắp hòm đóng rồi, lúc đó chuyện người vừa chết được - mất, hay - dở, tốt - xấu, mới được đem ra luận bàn, và luận bàn lúc đó mới có giá trị, mà giá trị này lắm khi cũng là tương đối, thậm chí bậy bạ, bởi có bao người chết đi rồi, thiên hạ vẫn ngơ ngác đó là người ra sao, nhưng người xưa đẻ ra câu đó để răn dạy người đời là phán xét con người khó lắm. Đó là ý thâm sâu của cổ nhân, nhưng người ta hay nhìn rồi đếm con số kẻ đưa người tiễn ít nhiều rồi từ đó hít hà thương tiếc chê bai nâng lên hạ xuống. Người chết có biết được đâu, mà biết đâu họ đang vân du, ngó xuống thấy lũ lượt kẻ sống đang quấy mình, bèn cả cười hoặc bực mình nghĩ con người mãi là con vật ngu xuẩn nhất.

Mình cũng là đám đông đó. Nhưng cứ lấn cấn mãi mà không thoát được, ví dụ như ai đó bị bệnh nặng, mình bèn hỏi thăm, nhưng dần dà cũng làm biếng đi thăm, không phải cạn tình, mà do câu nói trên của người bạn khiến mình lợn cợn, nhưng rồi lại hối hận, thấy như mình chẳng ra gì, biết đâu người đau luôn mong ngóng, thèm một hỏi han. Bao lần đối mặt với cái nhìn gấp gãy, giọng nói thều thào, thân hình xám xanh, tay chân như que củi, nhưng cố chồm giọng “không răng đâu”, không phải là an ủi chính mình mà là khuyến khích kẻ đang mạnh, dù kẻ đó thừa biết, răng răng chi, ngó không được mấy ngày nữa, đau buồn lắm, nhưng phép lịch sự rồi tinh thần A.Q vớ vẩn, bèn cười giả lả ừ ráng, mai mốt nhậu chơi. Dối nhau để qua ngày tháng mênh mông này.

Bệnh nặng bất ngờ, mau chết. Đó là chết nhanh hơn sống chậm, theo mình là sướng, khỏe cái thân mình, dù làm đau kẻ còn sống, nhất là vợ trẻ con thơ, nhưng bệnh vô phương cứu, thì kéo dài thêm khổ. Ông bà nói “chết trẻ khỏe ma, chết già ma mệt”, cũng hàm cái lý về sự sống lê khổ. Có bữa gặp người bạn đang từng phút so đo với tử thần, ngước cái nhìn không màu không vị ngó mình, ừ tội quá, rất tội, nhưng nó lướt qua nhanh, để lại ngán ngẩm sùng sục cho mình. Lâm li hay khô  khốc cảm xúc, hãy quên nó đi, giải quyết được chi. Mà người mình có thói kỳ lạ, người đau không nói chi, thì đám đông nên câm nín, đằng này ra quán, lên mạng là tuồng chèo bình phẩm, hết oanh oanh liệt liệt đến đau thương tan nát. Lâu rồi mình tỉnh quá, ráng biểu lộ cảm xúc ngoại biên lân bang hàng xóm ấy, cốt để thiên hạ sau này đừng quên mình. Mà chính mình cũng vậy, không tránh được. Đó là kiểu chết thì nhanh, ăn tục nói phét thì như chảo chớp, mà tư duy phân định về thực tính chính mình thì như rùa bò của người Việt.

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhanh và chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO