Du lịch phát triển đã giúp nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hồi sinh, trở thành điểm tham quan của khách. Tuy nhiên, du lịch cũng mang đến những tác động ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến lợi ích.
Hồi sinh nhờ du lịch
Trong vài năm trở lại đây hoạt động du lịch Quảng Nam xuất hiện thêm loại hình mới là tham quan trải nghiệm làng nghề. Đi đầu có thể kể đến TP.Hội An với những làng nghề tiên phong như làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà. Thông qua hoạt động du lịch, sản phẩm làng nghề không chỉ được biết đến rộng rãi mà còn giúp người dân sống tốt với nghề. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các sản phẩm làng nghề cũng dần được cải tiến mẫu mã, hình dáng theo hướng tinh xảo, gọn nhẹ nhằm phục vụ cho việc mua sắm làm quà lưu niệm của du khách, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập người dân. Tại làng gốm Thanh Hà, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan mua sắm. Riêng năm 2014, giá trị kinh tế từ du lịch mang lại cho làng đạt khoảng 1,1 tỷ đồng; mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân, góp phần tích cực hồi sinh làng nghề vốn một thời tưởng chừng mai một. Đặc biệt, bên cạnh duy trì những sản phẩm truyền thống như nồi, om, lu, gạch, ngói…, nhiều sản phẩm lưu niệm gọn nhẹ, tinh xảo cho du lịch như con tò he, ấm tách, tượng gốm, bình gốm, đèn gốm… cũng đã được người dân sản xuất hoặc cải tiến mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu của khách.
Nhiều làng nghề truyền thống đã được hồi sinh nhờ du lịch. |
Dù không thu hút khách mạnh mẽ như gốm Thanh Hà nhưng tại làng rau Trà Quế và mộc Kim Bồng, sự đổi thay cũng thể hiện rõ nét từ khi gắn với du lịch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 tổng số khách đến tham quan làng rau Trà Quế ước đạt khoảng 16.600 khách, doanh thu hơn 300 triệu đồng. Du lịch phát triển mang đến nguồn thu, nâng cao thương hiệu làng nghề và góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức người dân, khơi dậy niềm tự hào về các giá trị văn hóa lịch sử của làng. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy ở một số làng nghề như chằm dừa nước Cẩm Thanh, lồng đèn Hội An, dệt lụa Mã Châu, chiếu Trà Nhiêu (Duy Xuyên)… hay xa hơn là các làng nghề thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu các huyện miền núi của tỉnh.
Tại 2 huyện miền núi Đông Giang và Nam Giang, việc phát triển du lịch cộng đồng dựa vào những lợi thế văn hóa, sinh thái, thiên nhiên đã mang đến những thay đổi tích cực, giúp thương hiệu làng nghề vươn xa. Nổi bật, có thể kể đến làng dệt Zara (Nam Giang) và Đhrôồng (Đông Giang). Dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như FIDR (Tổ chức Cứu trợ quốc tế Nhật Bản) và ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), sản phẩm của làng đã bắt đầu hiện diện ở nhiều hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ đã không còn bó hẹp trong việc trao đổi giữa các làng miền núi mà theo chân du khách đến khắp nơi trên thế giới để hình thành một thương hiệu mới về sản phẩm làng nghề truyền thống với tên gọi thổ cẩm Cơ Tu. Dù ở chừng mực nào đó sự hưởng lợi của cộng đồng vẫn chưa lớn như kỳ vọng nhưng có thể khẳng định du lịch đã mang đến luồng sinh khí mới, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa để lưu giữ những tinh hoa làng nghề cho các thế hệ kế tiếp.
Nghệ nhân Nguyễn Lành vẫn còn nhiều ưu tư khi làng gốm Thanh Hà làm du lịch. |
Phát sinh mâu thuẫn
Không phủ nhận, du lịch đã mang đến nhiều cơ hội cho làng nghề, tuy nhiên, du lịch cũng tác động tiêu cực do phát sinh mâu thuẫn lợi ích. Biểu hiện rõ nhất là chia rẽ cộng đồng, giữa những người trực tiếp làm nghề và những người đứng ngoài cuộc; giữa những người được hưởng lợi từ du khách và những người không có sản phẩm tham gia hoạt động du lịch… Hiện tượng phá giá hoặc “tố xấu” lẫn nhau là điều không hiếm tại các làng nghề làm du lịch. Theo ông Nguyễn Lành, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, việc làng nghề hồi sinh nhờ du lịch là điều đáng mừng, đặc biệt việc trích lại phần trăm tiền bán vé tham quan làng nghề cho những nghệ nhân và người làm nghề rất cần thiết và có tính động viên cao vì chính những người này đã làm lên hồn cốt cho làng nghề. Tuy vậy, ông vẫn buồn vì hướng dẫn viên chỉ đưa khách đến những shop hàng lưu niệm có trích hoa hồng cao còn những hộ giữ nghề bao đời như gia đình ông thì rất ít có khách đến; rồi doanh thu từ bán vé vẫn chưa được minh bạch, công khai khiến người dân không thể biết tổng số tiền bán vé bao nhiêu. “Họ đưa bao nhiêu mình hay bấy nhiêu chứ biết làm sao chừ, đâu biết hỏi ai, nói với ai” - ông Lành tâm sự. Mỗi tháng lò gốm 2 vợ chồng ông được vài trăm nghìn đồng nhưng lại bị gối đầu 3 tháng. Riêng tháng 6 ông bà được nhận khoảng 800 nghìn đồng, đây là số tiền tương đối cao nếu với các gia đình khác chỉ nhận hơn 400 nghìn đồng.
Tại làng mộc Kim Bồng, kể từ năm 2004, thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo do Liên hiệp quốc tài trợ, Kim Bồng là làng nghề đầu tiên của Hội An được hưởng lợi từ một dự án du lịch cộng đồng. Cùng với chương trình hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), TP.Hội An cũng đã đầu tư khôi phục, phát triển nhiều hạng mục hạ tầng làng nghề như nhà xưởng sản xuất, trung tâm đón tiếp, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các chương trình tour tuyến phục vụ khách tham quan... Đặc biệt, Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch Kim Bồng cũng được thành lập nhằm điều hành hoạt động du lịch, dịch vụ nơi đây. Giai đoạn 2007 – 2010, tốc độ phát triển du lịch của làng tăng bình quân hàng năm hơn 104%, đến năm 2010 tổng số khách đã đạt con số 27.196 lượt. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2011 - 2013, số lượng khách đến làng bỗng sụt giảm mạnh, chỉ còn gần 1.400 khách (năm 2013), hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch Kim Bồng dần ngưng trệ.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải chuyện ngưng trệ như thiếu con người tâm huyết, thiếu liên kết, sản phẩm làng nghề chưa đa dạng… Một số ý kiến khác lại cho rằng chính vì chính sách phân phối nguồn thu chưa đồng đều, nhất là sự phân chia lợi nhuận giữa thành viên và xã viên không công bằng nên không kích thích sự tham gia của tập thể lãnh đạo và xã viên. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Sướng – nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, sự sụp đổ của hợp tác xã làng nghề chủ yếu do quyền lợi không đồng nhất vì mỗi người một việc, lợi ích khác nhau. “Hợp tác xã có nhiều thành phần nên mục đích tham gia cũng khác nhau. Thời gian đầu mới thành lập, nhiều người có tiền nhưng không có nghề đăng ký vô để được chia đất sản xuất kinh doanh nhưng khi thấy không có gì thì nản. Chưa nói, một số cơ sở sản xuất kinh doanh tốt thì không vô hợp tác xã vì thấy ở ngoài kinh doanh tự do thu lợi nhuận nhiều hơn. Rồi có người làm ăn không được đâm ra thóc mách là tôi lợi dụng chức danh chủ nhiệm để dẫn khách về cho riêng mình” - ông Sướng phân trần.
Không phủ nhận phát triển du lịch làng nghề đã trở thành hướng đi của nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý không tốt hoạt động đã dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ tác động xấu đến mối quan hệ cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề khi mà nhiều sản phẩm ngoại nhập đã được nhiều nơi “dán mác” sản phẩm làng nghề tạo nên sự nhập nhằng cho khách gây ảnh hưởng đến sản phẩm của làng nghề.
THÂN VĨNH LỘC
Bài 2: Cạnh tranh với hàng ngoại
Tại không ít điểm du lịch, việc bày bán sản phẩm ngoại nhập diễn ra công khai gây ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề xứ Quảng.