Xây dựng sản phẩm lưu niệm du lịch gắn với bảo tồn làng nghề đang là hướng ưu tiên hiện nay của nhiều địa phương. Thông qua các sản phẩm thủ công đặc trưng không chỉ giúp giữ gìn thương hiệu mà còn tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập để yên tâm gắn bó với nghề.
"Con dấu xác thực"
Ngày nay, những cái tên như dệt thổ cẩm Zara hay đèn lồng… đã không còn xa lạ với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Thương hiệu làng nghề đang thực sự mang đến cho người dân những cơ hội mới, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, sinh kế mới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trước những thách thức từ bên ngoài thì áp lực về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề đặc trưng địa phương càng cấp bách. Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam đã tiến hành khai trương nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản Quảng Nam tại Hội An. Ngoài mục đích trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản của tỉnh, nơi đây còn thực hiện các hoạt động sáng tác, thiết kế sản phẩm, tổ chức dạy nghề, truyền nghề; thu hút nghệ nhân trong và ngoài tỉnh cùng hợp tác phát triển sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy mới hoạt động chưa lâu nhưng hiện tại mỗi ngày nhà trưng bày đón hàng trăm lượt khách đến tham quan mua hàng lưu niệm cũng như tìm hiểu về các giá trị văn hóa làng nghề xứ Quảng.
Sản phẩm từ dệt thổ cẩm Cơ Tu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ảnh: VĨNH LỘC |
Gần đây nhất là cuộc thi "Bình chọn sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của Quảng Nam" do UBND tỉnh tổ chức, Sở VH-TT&DL làm cơ quan thường trực nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc trưng, khuyến khích các làng nghề tạo dựng nhiều sản phẩm mang dấu ấn Quảng Nam để làm quà lưu niệm cho du khách. Dù kết quả cuộc thi chưa như kỳ vọng nhưng cũng đã thể hiện sự quyết tâm của các cấp ngành trong việc xây dựng nên những sản phẩm quà tặng du lịch mang thương hiệu Quảng Nam.
Nổi bật nhất chính là việc UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1619 về "Con dấu xác thực" đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Quảng Nam. Việc xây dựng "Con dấu xác thực" với biểu tượng logo và các tiêu chí khắt khe như sản phẩm phải có ít nhất 50% chi phí lao động bằng thủ công và 50% lao động là công nhân Quảng Nam; có ít nhất 50% chi phí mua nguyên liệu sản xuất được thanh toán cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất tại Quảng Nam; sản phẩm phải thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của Quảng Nam… đã thật sự mang đến những đột phá mới cho sản phẩm lưu niệm địa phương thời gian đến.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín, việc quản lý và khai thác có hiệu quả "Con dấu xác thực" sẽ giúp so sánh và phân biệt được sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc từ Quảng Nam với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất xứ bên ngoài. Từ đó thúc đẩy phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh và bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề địa phương. "Sự ra đời của con dấu sẽ chứng minh nguồn gốc của món quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ, giúp du khách chọn đúng sản phẩm sản xuất tại địa phương. Qua đó, góp phần quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh đến với khách du lịch trong nước và quốc tế " - ông Chín nhìn nhận.
Xác lập thương hiệu
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó, các chương trình khuyến công cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Chỉ riêng 5 năm qua (2011 - 2015), nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đến các địa phương đã đạt gần 34 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành công thương tập trung triển khai xây dựng một số xã nghề tại các địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vùng miền, thúc đẩy du lịch phát triển. |
Có thể khẳng định, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu hướng đến của ngành du lịch Quảng Nam cũng như các địa phương nhằm không chỉ giải quyết những vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội mà còn giúp bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa, làng nghề. Thực tế cho thấy, du lịch làng nghề đang trở thành một trong những loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách. TS.Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận xét: "Quảng Nam tuy có nhiều làng nghề nhưng sản phẩm để phục vụ du lịch vẫn còn khá đơn điệu nên phải làm sao xây dựng được nhiều sản phẩm mang bản sắc địa phương, tạo sự đa dạng cho khách lựa chọn chứ không nhất thiết cứ phải là đèn lồng Hội An hay gốm tại đền tháp Mỹ Sơn như hàng bao năm nay. Đặc biệt, thông qua thương hiệu sản phẩm làng nghề sẽ giúp du khách phân biệt và nhận diện chính xác các giá trị văn hóa, lịch sử của nơi mình đến".
Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề Quảng Nam là rất cần thiết, nhất là khi Quảng Nam có lợi thế đặc thù của một trung tâm du lịch lớn. Thông qua hoạt động du lịch sẽ tạo cơ hội để ngành tiểu thủ công nghiệp nói chung và các sản phẩm làng nghề có điều kiện được bảo tồn, phát triển. "Sản phẩm thủ công lưu niệm nếu được đầu tư sẽ có những lợi ích cụ thể như tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân, qua đó thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi, tận dụng thời gian và lực lượng lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Đặc biệt, sẽ giúp giảm bớt sự khác biệt về kinh tế - xã hội giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cũng như tạo nhiều lựa chọn cho du khách khi đến Quảng Nam" - ông Công phân tích.
THÂN VĨNH LỘC