Nhập nhằng trong quản lý đất rừng ở Bích An

HỮU PHÚC - NHƯ TÌNH 17/07/2020 04:36

Trong lúc người dân thôn Bích An, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) mòn mỏi chờ đợi giao nhận đất khi chủ rừng đã bàn giao đất rừng về địa phương từ hơn 7 năm nay, thì chính quyền xã lại lúng túng trong quản lý để đất công biến thành quyền sử dụng riêng của một số cá nhân.

Các hộ dân thôn Bích An tại hiện trường đất rừng do UBND xã quản lý đã bị nhiều người trồng rừng, mua bán chuyển nhượng trái phép. Ảnh: H.N
Các hộ dân thôn Bích An tại hiện trường đất rừng do UBND xã quản lý đã bị nhiều người trồng rừng, mua bán chuyển nhượng trái phép. Ảnh: H.N

Người dân bức xúc

Có 7 cá nhân, đại diện cho người dân thôn Bích An đồng ký tên khiếu nại vượt cấp lên chính quyền tỉnh và cơ quan dân cử của tỉnh về những khuất tất trong quản lý, sử dụng đất rừng.

Theo người dân, sau năm 1975, nhân dân trở lại khai hoang phục hóa đất để sản xuất. Năm 1984, Nhà nước thu hồi để triển khai dự án “trồng cây xanh phủ đồi núi trọc”. Sau đó, Xí nghiệp Lâm nghiệp Tam Kỳ quản lý diện tích 23ha. Năm 2013, do không sử dụng hết diện tích nêu trên nên Xí nghiệp Lâm nghiệp Tam Kỳ bàn giao về cho UBND xã Tam Xuân 1 quản lý. Thời điểm đất rừng bàn giao về địa phương, thì một số công nhân, người lao động nhận giao khoán trồng rừng vẫn còn thời gian sử dụng đất rừng theo hợp đồng. Vì vậy, chính quyền xã Tam Xuân 1 trước đây khi tổ chức họp dân có cam kết là ngày 31.12.2015 (thời điểm người nhận khoán trồng rừng hết thời hạn hợp đồng với lâm trường) sẽ bàn giao toàn bộ diện tích nói trên về cho người dân.

Trễ hạn thực hiện nhiệm vụ được giao

Ngày 7.5.2020, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có Thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường về nội dung đơn khiếu nại của 7 hộ dân thôn Bích An. Theo đó, giao UBND huyện Núi Thành thanh tra, kiểm tra cụ thể kế hoạch sử dụng 23ha (số liệu có chênh lệch giữa người dân và biên bản hồ sơ bàn giao) đất lâm nghiệp tại thôn Bích An. Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm khắc, trả lời cho công dân và báo cáo kết quả giải quyết về Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trước 20.5.2020. Tuy nhiên, sáng 16.7, trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Hoàng Vũ - Chánh Thanh tra huyện Núi Thành, được ông trả lời, vụ việc đang trong thời gian thanh tra.

Ông Nguyễn Ngọc Thuật, người ký đơn khiếu nại nói: “Thiếu đất sản xuất, chúng tôi lên trồng rừng, chính quyền lập tức đưa cán bộ lên can thiệp, nhưng người dân từ địa phương khác lên thì lại vô tư trồng cây mà không có cơ quan chức năng nào ngăn cản”.

Các hộ dân cho rằng, chuyện nhập nhằng đất rừng kéo dài suốt thời gian dài. Cách đây 3 năm, khi địa phương họp lấy ý kiến dân về thông báo chủ trương của UBND huyện Núi Thành cho một doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp thuê diện tích trên, theo tinh thần doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận bồi thường với người dân. Tuy nhiên, người dân không thống nhất bàn giao đất và từ đó nhà đầu tư cũng rút lui.

Một người dân khác ở thôn Bích An - ông Võ Ý Thức đặt vấn đề: “Tại sao chúng tôi không được canh tác nhưng lại có một trường hợp xây dựng trang trại chăn nuôi 7.000 con gà trên phần diện tích của Nhà nước quản lý?”.

Lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép

Tình trạng tranh chấp đất rừng dai dẳng ở xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 từng gây mất an ninh trật tự địa phương, buộc chính quyền tỉnh phải xử lý. Thấy được bất cập, lãng phí trong sử dụng đất rừng trước đây, UBND tỉnh yêu cầu công ty bàn giao phần diện tích bỏ hoang, hoặc sử dụng kém hiệu quả về địa phương quản lý. Từ năm 2013, lẽ ra chính quyền xã Tam Xuân 1 phải rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng, xây dựng phương án sử dụng đất hiệu quả. Thế nhưng, từ đó đến nay, vẫn xảy ra việc lấn chiếm, rồi mua bán chuyển nhượng trái phép của một số cá nhân, dù trên hồ sơ giấy tờ thuộc quản lý của Nhà nước.

Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 - ông Nguyễn Anh Quân cho biết, xã nhận bàn giao diện tích 22,3ha, nhưng thực chất quản lý 14ha, còn hơn 7ha người dân xâm lấn. Trong diện tích đất rừng bàn giao cho địa phương có gần 3.000m2 đất nghĩa địa. Có 5 hộ đại diện nhận khoán trồng rừng trên diện tích 14ha với lâm trường trước đây, thời hạn hợp đồng đến cuối năm 2015.

“Năm 2013, khi xã có thông báo nghiêm cấm việc lấn chiếm đất rừng do Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam bàn giao cho UBND xã quản lý, thì thực tế các hộ dân nhận khoán lẫn không nhận khoán vẫn có cây trồng, dù biên bản ghi nhận bàn giao diện tích không ghi hiện trạng có cây trồng hay không” - ông Quân cho biết.

Ông Nguyễn Anh Quân thông tin thêm, các hộ nhận khoán trồng rừng đã tự mua bán chuyển nhượng lại cho vợ chồng ồng Trần Văn Hiện với diện tích khoảng 3,5ha; một số trường hợp khác cũng tự mua bán chuyển nhượng trái pháp luật. Trong diện tích đất do Nhà nước quản lý, đầu năm 2020, ông Bùi Công Hương, con trai của ông Bùi Công Ba - nguyên Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bích An đã xây dựng trang trại nuôi gà kiên cố, quy mô công nghiệp. Khi người dân phát hiện, UBND xã Tam Xuân 1 đến lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính chủ trang trại 3 triệu đồng về hành vi xây dựng trái quy định.

Trả lời câu hỏi, “Vì sao xã không xây dựng phương án giao đất sớm?”, lãnh đạo chính quyền địa phương cho rằng, nguyên nhân do vướng hồ sơ đất lâm nghiệp, hiện trạng cây cối, mua bán chuyển nhượng trái phép với nhau. Bất cập về xử lý tài sản (cây trồng trên đất) của các hộ dân chuyển tiếp từ Xí nghiệp Lâm nghiệp Tam Kỳ qua địa phương quản lý, xã rất khó khăn khi lập phương án giao đất. 

“Năm 2017, khi huyện có chủ trương lấy đất rừng cho doanh nghiệp thuê đầu tư dự án trang trại sinh thái nông lâm tổng hợp, xã tổ chức họp dân lấy ý kiến thì 35 hộ tham dự cuộc họp tại thôn Bích An phản ứng quyết liệt; đồng thời yêu cầu giao đất cho dân địa phương trồng rừng sản xuất. UBND xã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của huyện nhưng UBND huyện chưa có văn bản trả lời” - ông Quân giải thích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhập nhằng trong quản lý đất rừng ở Bích An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO