Nhấp nhổm giá vật tư nông nghiệp

CHIÊU THỤC ANH 18/05/2013 13:49

Vật tư nông nghiệp thường tăng giá mỗi khi vào vụ sản xuất. Vụ hè thu 2013 tình trạng này vẫn tiếp diễn trong khi năng lực sản xuất cùng các kênh phân phối đã tăng cường…

Hàng thừa, giá vẫn tăng

Sau một thời gian bình ổn, hiện giá một số loại phân bón có dấu hiệu nhích lên khi nông dân tại nhiều địa phương bước vào vụ hè thu 2013. Hiện giá các loại phân đạm nhích bình quân 10.000 - 15.000 đồng/bao (loại 50kg) so với cách đây một tháng. Trong khi đó, giá bán lẻ nhiều loại phân bón khác như DAP, NPK, kali tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng tăng nhẹ, khoảng 5.000 – 10.000 đồng/bao loại 50kg. Cụ thể, giá phân đạm Phú Mỹ bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Nam Phước (Duy Xuyên), Tam Kỳ, Tiên Phước từ mức 515.000 đồng  lên 555.000 đồng/bao (loại 50kg), giá bán lẻ 11.100 đồng/kg. Đạm Hà Bắc tăng 20.000 đồng/bao, hiện có giá bán lẻ 10.500 đồng/kg.

Nông dân chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.Ảnh: T.ANH
Nông dân chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.Ảnh: T.ANH

Ở nhiều địa phương, nông dân chuẩn bị xuống giống lúa hè thu 2013 nên giá ure được đầu mối bán buôn điều chỉnh tăng, lấy lý do “nguồn hàng lấy từ nhà máy có hạn”. Nhưng thực tế thì nguồn cung các loại phân ure trên thị trường khá dồi dào. Đến nay, khi sức tiêu thụ chậm, lượng hàng dồi dào và nhiều cửa hàng bán lẻ không tiếp tục đẩy mạnh nhập hàng, các đầu mối trung gian có xu hướng cố giữ giá chứ không điều chỉnh tăng thêm. Ông Huỳnh Anh Thiện, chủ cửa hàng bán phân bón Uyên Thiện (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết: “Hiện sức tiêu thụ các loại phân bón có tăng nhưng tăng chậm, do người dân hạn chế xuống giống vụ hè thu so với vụ đông xuân. Nguồn cung các loại phân ure trên thị trường dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu trong và ngoài nước, nên  khó tăng giá thêm”. Gần đây, năng lực sản xuất phân bón của các doanh nghiệp trong nước được tăng cường, lượng phân ure đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nội địa. Hiện các loại phân ure ngoại nhập cũng không còn chiếm thị phần nhiều như trước mà nhường chỗ cho các loại phân sản xuất trong nước như ure Phú Mỹ, ure Ninh Bình, đạm Cà Mau…

Giá phân bón như ure trong nước đã không còn phụ thuộc nhiều vào sự tăng giảm của giá ure trên thế giới. Thế nhưng, thời gian qua giá ure trong nước lại thiếu ổn định so với nhiều loại phân bón khác, là điều đáng suy ngẫm. Bên cạnh giá nguyên liệu nhập khẩu và các chi phí sản xuất đầu vào tăng, thì nhu cầu tiêu thụ phân bón tại nhiều địa phương đang tăng làm cho giá phân bón trong nước nhích lên. Tuy nhiên, giá phân bón dường như bị “làm giá”, nhất là sự tăng giá của ure ngay khi mới bước vào đầu vụ. Chủ cửa hàng cung cấp vật liệu nông nghiệp Chương Mỹ tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, hiện nay sức mua của nông dân tăng dần, tập trung vào những mặt hàng quen thuộc. Việc tăng giá của các loại phân bón tuy không nhiều nhưng cũng khiến nông dân phàn nàn. “Hầu hết loại phân bón này là hàng nội địa được nông dân tin tưởng về chất lượng sau nhiều mùa vụ. Giá tăng thì họ cũng sẽ mua, nhưng những người cung cấp vật tư nông nghiệp như chúng tôi luôn mong giá hạ, khi đó sức mua tăng cao và thường kéo theo mùa vụ lại trúng” - ông Chương nói.

Cần có giải pháp bình ổn?

Rõ ràng, thị trường phân bón trong nước còn tiềm ẩn các yếu tố bất ổn cần được mổ xẻ để giải quyết tận gốc vấn đề. Hiện đa số các cửa hàng bán lẻ phân bón không có điều kiện mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất phân bón mà phải qua các đầu mối trung gian. Bởi, muốn mua hàng trực tiếp từ nhà máy thường phải mua với số lượng rất lớn, đòi hỏi có nhiều vốn, trong khi nguồn vốn kinh doanh của cửa hàng còn hạn chế. Chính vì vậy, nhiều lúc dù biết giá phân bón bị đầu mối trung gian đẩy lên cao, nhưng để có hàng cung ứng kịp thời cho khách, các cửa hàng bán lẻ đành chấp nhận. “Mua giá cao thì phải bán lại giá cao, chỉ thấy tội và thiệt thòi cho người nông dân” – chủ cửa hàng Chương Mỹ (Nam Phước) tâm sự.

Phân đạm Cà Mau và nhiều loại phân ure Trung Quốc giá từ 470.000 đồng/bao nay tăng lên 480.000 - 485.000 đồng/bao. Giá phân bón DAP Philippines tại nhiều cửa hàng đang ở mức 820.000 đồng/bao, các loại DAP Trung Quốc giá dao động từ 700.000 - 725.000 đồng/bao, giá nhiều loại phân NPK ở mức 720.000 - 760.000 đồng/bao…

Thời gian qua, nông dân rất bức xúc khi giá phân bón thường xuyên biến động tăng mạnh vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, phần lớn nông dân không có điều kiện chủ động mua phân bón dự trữ lúc giá rẻ mà chỉ mua khi cần dùng tới, thậm chí chấp nhận mua giá cao để được cửa hàng cho nợ tiền, đến khi nào có mới trả. Bà Ngô Thị Phước (thôn 6, xã Tiên An, huyện Tiên Phước) nói: “Nông dân chịu nhiều thiệt thòi, chúng tôi chỉ mong Nhà nước có giải pháp cần thiết hơn trong việc bình ổn giá cả và quản lý tốt chất lượng các loại phân bón trên thị trường để an tâm sản xuất. Đồng thời, giảm bớt các khâu trung gian trong việc mua vật tư nông nghiệp đầu vào và giá phải hợp lý, chất lượng đảm bảo”.

Thực tế cho thấy, nếu nhân rộng được mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất cho nông dân sẽ giải quyết được nhiều bất cập của thị trường hiện nay.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhấp nhổm giá vật tư nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO