Nhấp nhổm thị trường tết

GIA KHANG - CHÂU NỮ 21/01/2024 08:00

Không khí mua sắm tết bắt đầu rục rịch. Nguồn hàng hóa khắp nơi đang đổ về tấp nập. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, không khí mua sắm đã kém đi phần chộn rộn.

Sức mua hàng hóa cuối năm nhìn chung chưa sôi động. Ảnh: V.L
Sức mua hàng hóa cuối năm nhìn chung chưa sôi động. Ảnh: V.L

Sức mua giảm sút

Bà Nguyễn Thị Phương Hòa (tiểu thương tại chợ Hội An) cho biết, chưa năm nào buôn bán khó khăn như năm nay, thậm chí còn chậm hơn năm 2022 lúc dịch COVID-19 vừa được khống chế. “Không những ít người mua mà giá cả cũng rất cạnh tranh nên lời lãi không bao nhiêu” - bà Hòa nói.

Khảo sát một số tiểu thương tại chợ Hội An, nhất là những gian hàng kinh doanh áo quần, giày dép, mũ nón… hầu hết bày tỏ sự bi quan, lo lắng.

Thông thường mọi năm, từ sau Tết Dương lịch, sức mua bắt đầu tăng dần, tập trung nhiều ở các mặt hàng thời trang, tiêu dùng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại khá ảm đạm. Kinh tế suy thoái đã tác động trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập không ổn định.

Một cửa hàng thời trang tại phường Vĩnh Điện (Điện Bàn) cho biết, nếu trước đây vào mỗi dịp đầu tháng, đặc biệt những tháng cuối năm khách mua sắm rất đông, nhưng hiện tại khá yên ắng. Năm nay công nhân thiếu việc làm nên hạn chế chi tiêu.

Bà Phạm Hương - chủ một cơ sở chuyên gói lẵng bánh tại phường Tân An (Hội An) chia sẻ, không chỉ ít đơn hàng mà giá cũng thấp hơn 20 - 30%. Nếu những năm trước một công ty có thể đặt hàng trăm lẵng bánh, giá 400 – 500 nghìn đồng/lẵng để làm quà tết tặng người lao động thì nay số lượng chỉ còn một nửa hoặc ít hơn, mức giá cũng giảm còn 300 nghìn đồng.  

Không chỉ các tiểu thương, cơ sở buôn bán nhỏ lẻ kinh doanh khó khăn, một số siêu thị lớn như Co.opMart Tam Kỳ hay Go! Điện Bàn, mức tiêu thụ hàng cũng tương đối thấp.

Theo đại diện Siêu thị Go! Điện Bàn, mặc dù doanh thu tăng khoảng 20% so với ngày thường nhưng tỷ lệ trên vẫn chưa như mong đợi. “Hy vọng trong 2 tuần tới hoạt động kinh doanh sẽ có đột biến mạnh” - đại diện Siêu thị Go! nói.

Còn tại Co.opMart Tam Kỳ, dù lượng người đến siêu thị đông nhưng sức mua thấp, ước giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ phân tích, có 3 nguyên nhân khiến khả năng tiêu thụ hàng hóa chậm, đó là tình hình kinh tế khó khăn, sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ. Cuối cùng là hoạt động thương mại online phát triển mạnh, khiến khả năng mua sắm trực tiếp của người dân giảm sút.

Nhập hàng… cầm chừng

“Sức mua năm nay giảm hơn mọi năm rất rõ rệt, nên chúng tôi không dám nhập hàng về nhiều. Vì hàng tết, chẳng hạn các loại hạt, sô cô la và một số loại bánh kẹo chỉ bán chạy trong dịp tết, trong khi hàng ngoại nhập thời hạn sử dụng không dài, chỉ tầm 6 tháng, nếu không bán được dịp tết thì hàng sẽ quá hạn dùng, coi như lỗ vốn” - nhiều chủ cửa hàng, siêu thị mi ni đều có chung câu trả lời về lý do năm nay chỉ nhập hàng tết cầm chừng.

Siêu thị mi ni và chủ các quầy tạp hóa ở chợ nhập hàng tết cầm chừng do dự đoán sức mua giảm. Ảnh: C.N
Siêu thị mi ni và chủ các quầy tạp hóa ở chợ nhập hàng tết cầm chừng do dự đoán sức mua giảm. Ảnh: C.N

Theo một tiểu thương bán tạp hóa ở chợ Tam Kỳ, người dân hiện nay ít mua sắm hàng tết ở chợ mà chủ yếu mua online, mua hàng “nhà làm” nên chị không nhập hàng về nhiều, dù vẫn kết hợp bán tại chợ với bán online, giao hàng tận nơi. Khách hàng của chị chủ yếu là người quen và khách mua lẻ. Chị nhập nhiều chủng loại hàng tết nhưng số lượng mỗi loại không nhiều.

Còn chị Đỗ Thị Sung - tiểu thương ở chợ Thương mại (Tam Kỳ) cho biết, thịt heo là nguyên liệu phổ biến trong các sản phẩm phục vụ tết, nhưng đến thời điểm này vẫn ế ấm, giá bán không tăng dù giá heo hơi mua vào đã tăng.

Chị Sung dự báo năm nay sức mua thịt heo sẽ giảm, dù vậy chị đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng bằng cách đặt trước đối với các cơ sở chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung trong dịp trước và sau tết.

Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ TP.Tam Kỳ cho biết, đến thời điểm này, tiểu thương bày hàng tết tại chợ không nhiều như những năm trước.

Dịp này đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông hàng hóa qua chợ, trong đó chú trọng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp Tết Nguyên đán.

Thời điểm này hoạt động mua bán ở các chợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ vẫn diễn ra bình thường, dự báo từ ngày 20 tháng Chạp trở đi người dân mới mua sắm nhộn nhịp.

Kích cầu tiêu dùng

Dự báo, hoạt động kinh doanh những ngày cuối năm khó có sự đột biến. Tuy vậy, một số cơ sở, doanh nghiệp, tiểu thương vẫn hy vọng sức mua sẽ tăng mạnh khi người lao động nhận được lương, thưởng tết.

Ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) nhìn nhận, mặc dù thời điểm hiện tại lượng khách chưa nhiều nhưng tình hình có thể thay đổi vài ngày đến, chí ít là sau 20 tháng Chạp.

“Mọi năm, qua rằm tháng Chạp là hàng hóa tiêu thụ rất mạnh, nên các tiểu thương cũng đang mong chờ điều này sẽ lặp lại” - ông Tuất chia sẻ. Chợ Vĩnh Điện được xem là điểm bán buôn lớn nhất Điện Bàn, khoảng 60% sản phẩm trong chợ liên quan đến hàng tiêu dùng và thời trang.

Sức mua hàng hóa cuối năm nhìn chung chưa sôi động. Ảnh: V.L
Sức mua hàng hóa cuối năm nhìn chung chưa sôi động. Ảnh: V.L

Trước tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều cơ sở kinh doanh đã tung ra những chương trình kích cầu mua sắm như đa dạng loại hình sản phẩm, triển khai các gói giảm giá, khuyến mại…

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên) cho biết, HTX đang tập trung vào các mẫu hàng quà tặng với các sản phẩm vừa được công nhận OCOP 4 sao như bột ngũ cốc, thanh gạo lứt Duy Oanh, đồng thời kết hợp bán hàng livestream, miễn phí ship… nên hiệu quả kinh doanh nhìn chung khởi sắc. 

Tại Co.opMart Tam Kỳ, nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi ưu đãi dành cho khách mua như giảm giá sốc, mua 1 tặng 1, mua càng nhiều giá càng giảm, tặng kèm các sản phẩm về môi trường…

Đặc biệt, thời điểm Tết Giáp Thìn Co.opmart Tam Kỳ cũng như toàn hệ thống Saigon Co.op sẽ triển khai chương trình khuyến mại lớn với chủ đề “Đến Co.op chở tết về” diễn ra trong 8 tuần (bắt đầu từ ngày 13/12/2023 đến 9/2/2024) với nhiều hàng hóa thiết yếu, giá giảm sâu để phục vụ người tiêu dùng.

Cạnh đó, siêu thị cũng chuẩn bị những hamper (giỏ đựng) sản phẩm tết 3 miền để phục vụ người dân. Mỗi hamper có những mức giá thấp như 99 nghìn, 149 nghìn đồng dành cho người có thu nhập thấp.

Theo bà Trần Thị Như Lai, bên cạnh những gói kích cầu, một số chương trình khuyến mại tập trung mạnh vào giá dành cho các nhóm mặt hàng tiêu dùng ngày tết như mứt, trà, cà phê, bánh kẹo, gia vị, hóa phẩm, may mặc… riêng mặt hàng bày trí ngày tết có thể giảm lên đến 50%.

Tương tự, tại Go! Điện Bàn, gần 1 tháng qua cũng đã triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá rầm rộ như hỗ trợ chiết khấu 8% khi khách mua hàng từ 5 triệu đồng trở lên, miễn phí vận chuyển… nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhấp nhổm thị trường tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO