(QNO) - Vụ tai tiếng mới nhất về việc một số của hàng thức ăn nhanh tại Trung Quốc sử dụng thịt quá hạn sử dụng, gây chấn động dư luận khiến Nhật Bản tăng cường cảnh giác cao độ vì bị liên lụy.
Chuỗi siêu thị FamilyMart tại Nhật thu hồi và không bán thực phẩm “bẩn” từ Trung Quốc vừa bị phanh phui. |
Chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) vừa đóng cửa Công ty thực phẩm Husi Thượng Hải chuyên cung cấp thực phẩm đã hết hạn cho các hãng đồ ăn nhanh có mặt khắp Trung Quốc như McDonald’s, KFC và Pizza Hut, Burger King… đồng thời thu hồi toàn bộ sản phẩm quá hạn trên. Husi được thành lập tháng 5.1996, là công ty con tại Trung Quốc của Tập đoàn OSI Group, nhà cung ứng thực phẩm có trụ sở chính tại Mỹ. Động thái trên được đưa ra sau khi kênh truyền hình Dragon ở Thượng Hải phát phóng sự điều tra cho thấy nhân viên Husi trộn thịt quá hạn với thịt tươi để qua mặt các chuyên gia kiểm tra chất lượng của McDonald’s. Một công nhân nhặt thịt dưới sàn lên để cho vào các máy đóng gói. Một công nhân khác thì ngửi một tảng thịt và nói là nó thối quá, thậm chí màu của thịt cũng chuyển sang xanh hay bầm tím. Tất cả được dán nhãn mới cho các thực phẩm đã quá hạn sử dụng.
Là một trong những quốc gia nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm từ Trung Quốc và lần này một số nhà hàng thức ăn nhanh của Nhật Bản không tránh khỏi vụ bê bối trên. Hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s tại Nhật xác nhận có khoảng 20% thịt gà tẩm bột McNuggets bán tại 40% các cửa hàng McDonald’s (tức là 1.340 nhà hàng) đến từ nhà máy Husi ở Thượng Hải. Nhóm siêu thị nhỏ FamilyMart tại Nhật cũng bán sản phẩm thịt gà lăn bột chiên cùng xuất xứ trong khoảng 10 nghìn điểm bán của họ. Hai doanh nghiệp này đã đình chỉ không bán các sản phẩm trên.
Trong một cuộc họp báo tại Tokyo ngày 23.7, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo sẽ tăng cường kiểm tra cùng các biện pháp y tế nhằm ngăn chặn sản phẩm bị hư hỏng tại Trung Quốc nhập vào lãnh thổ Nhật. Trong lúc này, giới truyền thông Nhật cũng nhập cuộc, thông tin rộng rãi về vụ bê bối thực phẩm mới này tại Trung Quốc. Một phóng viên đài truyền hình Nippon (Nhật Bản) trong một chương trình rất được các bà nội trợ Nhật hâm mộ, còn tuyên bố: với các báo cáo đáng lo ngại như thế, quả là chúng ta không còn muốn mua sản phẩm Trung Quốc nữa.
Đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản bị liên lụy thực phẩm bẩn của Trung Quốc. Năm 2008, báo chí Nhật đưa tin có ít nhất 10 người ở thành phố Hyogo và Chiba ngã bệnh sau khi ăn hoành thánh (tiếng Nhật gọi là gyoza) đông lạnh do nhà máy thực phẩm Tianyang ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) sản xuất và bày bán trong các cửa hàng Nhật. Các xét nghiệm kết luận hoành thánh bị nhiễm thuốc trừ sâu methamidophos, dichlorvos và parathion.
Như vậy, trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc dính đến hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm gây chấn động người tiêu dùng toàn cầu như sữa bột giả, sữa chứa melamine, thực phẩm bị tiêm chất kích thích, thuốc trừ sâu… Ngay cả nhiều người dân Trung Quốc hiện cũng quay lưng với thực phẩm bẩn nội địa và chuyển sang sử dụng các mặt hàng thực phẩm xuất xứ từ nước ngoài, có uy tín.
QUỐC HƯNG