Nhật Bản có thể dẫn dắt TPP

QUỐC HƯNG 19/04/2017 08:11

Nhật Bản vừa “bắn” đi tín hiệu có thể dẫn dắt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào hiệu lực mà không có Mỹ.

Trang tin Japan Today số ra đầu tuần này cho biết, Nhật Bản lên kế hoạch tiếp tục thúc đẩy TPP sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh rút Washington ra khỏi TPP vào tháng 1.2017. Dù trước đó tháng 2.2016, 12 Bộ trưởng và trưởng đoàn đàm phán của 12 nước thành viên ký kết hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand - John Key. TPP chờ đợi Quốc hội các nước tham gia TPP thông qua để đưa hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đi vào hiệu lực. Nếu sau 2 năm, 12 nước chưa thể thông qua toàn bộ hiệp định, thì TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày nếu có ít nhất 6 nước (cần chiếm trên 85% GDP của các nước tham gia) phê chuẩn.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vừa “bắn” tín hiệu mới về TPP. Ảnh: Getty Image
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vừa “bắn” tín hiệu mới về TPP. Ảnh: Getty Image

Theo kế hoạch, các nhà đàm phán của 11 trong tổng số 12 quốc gia còn lại tham gia TPP sẽ bắt đầu thảo luận các vấn đề liên quan tại Canada vào đầu tháng 5 tới đây và một cuộc họp của Bộ trưởng Thương mại các nước này sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 5, bên lề một cuộc họp trong khuôn khổ của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia kinh tế nhận định, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật như ô tô sang thị trường Mỹ sẽ gặp khó nếu TPP không có Mỹ. Do đó, Nhật nỗ lực xoa dịu phản đối từ phía Mỹ có thể xảy ra, liên quan đến TPP. Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo của Nhật hồi cuối tuần qua, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nói: “Chúng tôi có cảm nhận là khung hợp tác của 11 nước thành viên nên được coi trọng”.

Theo các nhà phân tích, TPP là một trong những nội dung được thảo luận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Trump vào đầu tháng 2 năm nay tại Mỹ. Thủ tướng Nhật mong đợi TPP có thể góp phần kích thích nền kinh tế xứ hoa anh đào sau hai thập niên phát triển chậm lại và là một trong số ưu tiên hàng đầu khi ông Shinzo Abe trở lại nắm quyền lần thứ hai vào năm 2012. Nền kinh tế Nhật càng gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ sinh con tại đây rất thấp, già hóa dân số tăng nhanh, tiêu dùng nội địa giảm sút. Do vậy, kinh tế Nhật càng phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường châu Á có nền kinh tế năng động, duy trì tốc độ tăng trưởng và nhiều nước tham gia TPP ở cùng khu vực này. Những người ủng hộ chính sách theo đuổi TPP của Nhật cho rằng, một khi TPP được thực thi với các rào chắn thương mại được dỡ bỏ sẽ mang về cho Nhật thêm 125 tỷ USD trước năm 2030 và góp phần tăng cường vị thế của Nhật trên trường quốc tế. Cũng theo Kyodo, chính quyền của Thủ tướng Abe có phương án chốt lại vị thế của họ tại TPP sau khi cân nhắc kết quả từ cuộc đối thoại kinh tế cấp cao Mỹ - Nhật Bản, giữa  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Tokyo hôm qua (18.4).

TPP được ký kết vào tháng 2.2016 bao gồm các quốc gia Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. TPP bao trùm một thị trường có tới 800 triệu dân và chiếm gần 40% GDP thế giới, 30% thương mại toàn cầu.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhật Bản có thể dẫn dắt TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO