Từ tháng 4.2016, các gia đình ở Nhật Bản sẽ được quyền lựa chọn nhà cung cấp khi thị trường điện tại đây bắt đầu tự do hóa hoàn toàn.
Nhiều nhà cung cấp, bán lẻ điện cho người tiêu dùng tại Nhật Bản lên kế hoạch hạ thấp giá điện và cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng trong giai đoạn cạnh tranh để giữ vững chỗ đứng, chiếm lĩnh thị trường. Việc tự do hóa thị trường điện đồng nghĩa với chấm dứt độc quyền của các nhà cung cấp điện vốn kéo dài hàng thập kỷ qua tại Nhật Bản. Ngoài ra, theo kế hoạch mở cửa ngành năng lượng bao gồm điện và khí ga, Nhật Bản có kế hoạch tách biệt các chức năng của công ty lớn theo phạm vi hoạt động như sản xuất, truyền tải, phân phối điện vào giai đoạn năm 2018 - 2020. Theo thống kê, thị trường bán lẻ điện tại các gia đình và các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ chiếm khoảng 40% nhu cầu điện trên toàn quốc, đem lại doanh thu khoảng 7,5 nghìn tỷ yên Nhật cho các nhà cung cấp điện.
Công nhân làm việc tại Công ty điện lực Tokyo, Nhật Bản. (ảnh: enformable) |
Tại Nhật, sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân chiếm hơn 30% tổng sản lượng điện cung cấp. Thế nhưng, sự cố của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nhật hay lớn thứ 10 của thế giới - Fukushima số 1 phải tạm ngưng hoạt động sau thảm họa động đất và sóng thần vào năm 2011 đã làm giảm nguồn cung. Mặt khác, giá nhập khẩu nhiên liệu cao nên các công ty buộc tăng giá điện khiến nhiều hộ gặp khó khăn, nhiều công ty sản xuất chịu thiệt hại nặng nề, hạn chế sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nhật. Do đó, chính sách tự do hóa thị trường bán lẻ điện sẽ giúp người tiêu dùng có quyền lựa chọn các nhà cung cấp và Chính phủ Nhật hy vọng điều đó làm giảm giá điện vốn tăng liên tục trong thời gian qua. Trong thị trường đầy cạnh tranh còn giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ mới, chất lượng tốt hơn.
Thị trường tiêu thụ điện tại Nhật với khoảng 10 tỷ yên (gần 83 tỷ USD) hằng năm được xem rất hấp dẫn các nhà đầu tư, bán lẻ. Chủ tịch Công ty khí gas Osaka - ông Hiroshi Ozaki cho biết: “Từ năm 2016, việc tự do hóa thị trường điện sẽ đem lại nhiều thuận lợi, nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp”. Đến nay, đã có hơn 500 doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh tại Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản để được tiếp cận với thị trường bán lẻ điện tại xứ sở hoa anh đào. Theo Bộ Kinh tế - thương mại - công nghiệp Nhật Bản, việc tự do hóa thị trường điện bán lẻ là cần thiết bởi chính sách nhà nước quản lý giá điện Nhật Bản áp dụng trong suốt 70 năm qua đã không còn phù hợp trong tình hình mới.
Việc tự do hóa thị trường điện bán lẻ tại Nhật diễn ra gần 10 năm sau khi thị trường năng lượng châu Âu bắt đầu tự do hóa 100% mang lại hiệu quả cao, trong đó giá điện giảm xuống 30 - 50% so với trước đó. Hay như tại Đức, việc tự do hóa thị trường năng lượng không chỉ với mục tiêu giảm giá điện mà qua đó đi đôi với kế hoạch chuyển dần sang năng lượng tái tạo để giảm tác động tiêu cực lên môi trường sống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng nên cẩn thận để lựa chọn nhà cung cấp bởi khi xảy ra rủi ro thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất.
QUỐC HƯNG