(QNO) - Công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) đang được áp dụng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong chăm sóc và điều trị y tế.
Thế giới gia tăng xu hướng sử dụng công nghệ AI trong hệ thống y tế. Ảnh: JapanTimes |
Chính phủ Nhật Bản đang hợp tác với các doanh nghiệp và học viện nhằm xây dựng 10 bệnh viện thông minh dựa trên nền tảng AI với chi phí đầu tư lên tới 100 triệu USD.
Dự kiến kế hoạch trên sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm tới, giúp Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu đội ngũ y, bác sĩ trong bối cảnh già hóa dân số tại xứ hoa anh đào. Dù được cho không thể thay thế bác sĩ nhưng công nghệ AI được nhiều bệnh viện trên thế giới như tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore sử dụng rất thành công trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh, giúp nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ứng dụng AI trong y tế được xem là xu thế tất yếu của thời đại.
AI cho phép cập nhật, tìm kiếm kho dữ liệu hồ sơ bệnh án và y văn nhanh cũng như các phác đồ điều trị tiên tiến, mới nhất trên thế giới. Chính phủ Nhật Bản hy vọng kế hoạch trên giúp Nhật có thể chạy đua với các nước trên thế giới về ứng dụng AI trong hệ thống y tế, bên cạnh tăng cường xuất khẩu thiết bị và dịch vụ y tế.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Bộ Công nghiệp Nhật Bản sẽ tiến hành tìm kiếm doanh nghiệp tham gia và bệnh viện được đầu tư ngay trong tháng 8 này. Một khung làm việc cơ bản sẽ được thành lập vào đầu tháng 9 tới và nỗ lực ban đầu được đặt ra là tập trung vào bệnh nhân ung thư.
Các bên tham gia sẽ phát triển các chương trình hỗ trợ AI, tự động nhập thông tin vào hồ sơ y tế của bệnh nhân dựa trên các cuộc trò chuyện của họ với bác sĩ trong khi khám. AI cũng sẽ được sử dụng để phân tích hình ảnh cộng hưởng từ và hình ảnh nội soi, cũng như phân tích các xét nghiệm máu và các thông tin khác. Công nghệ AI thậm chí sẽ nghiên cứu ADN của bệnh nhân để giúp chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Việc tích lũy dữ liệu về bệnh nhân sẽ giúp cải thiện khả năng chẩn đoán của AI. Tuy nhiên, AI vẫn đóng trong vai trò hỗ trợ, bởi kết luận cuối cùng về chẩn đoán và điều trị là do bác sĩ. Các chuyên gia cho biết, việc tối ưu hóa trong điều trị y tế với sự giúp đỡ của AI dự kiến sẽ cắt giảm các bước điều trị không cần thiết, tiết kiệm được hàng trăm tỷ yên mỗi năm cho hệ thống y tế Nhật Bản.
Rõ ràng, cuộc đua để phát triển thiết bị y tế được trang bị AI đang nóng lên. Các đối thủ cạnh tranh như Tập đoàn General Electric của Mỹ và Tập đoàn Siemens của Đức là mạnh trong lĩnh vực thiết bị chẩn đoán.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất Nhật Bản đang nỗ lực bắt kịp xu hướng công nghệ AI trong chăm sóc và điều trị y tế. Hitachi đang nghiên cứu các chương trình để AI phân tích hình ảnh từ chụp cắt lớp vi tính hoặc quét CT. Tập đoàn Canon sử dụng AI để tinh chỉnh hình ảnh CT, giảm liều bức xạ cần thiết.
Thị trường Nhật Bản liên quan đến điều trị tăng cường AI, nhất là khi hàng loạt bệnh viện thông minh được thành lập, sẽ đạt 15 tỷ yên vào năm 2025, gấp bốn lần so với năm 2016 - theo công ty nghiên cứu Fuji Keizai.
NAM VIỆT