“Mở trang sách dưới ngọn đèn, như được làm bạn với người muôn năm cũ” - ẩn sĩ Urabe Kenko (Nhật Bản) từng phóng bút như vậy. Nhưng với nhiều trang sách, kể cả sách của chính ngài Kenko, đôi khi cũng phải trải qua hành trình thu nhặt, lưu giữ kỳ lạ nếu tác phẩm muốn “làm bạn” với độc giả…
“Đến đâu cũng để ý tìm tòi”
Kiến văn tiểu lục, cuốn sách cuối cùng của nhà bác học Lê Quý Đôn được ông thu nhặt tất cả tri thức, những thể nghiệm còn sót lại và chưa đưa vào sách nào. Hành trình “thu nhặt” ấy khởi sự từ năm ông đi sứ Trung Quốc (1762) cho đến mùa đông 1778, dù lời tựa cuốn sách ông viết xong từ năm 1777.
Khi viết lời tựa sách, nhà bác học Lê Quý Đôn khiêm tốn nhận mình là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách. Đến khi trưởng thành ra làm quan, được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu, được giao việc công, giong ruổi bốn phương (mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Ai Lao, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng) vẫn không quên thu nhặt.
“Đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên, chia làm 9 mục, 12 quyển”, cụ viết.
Chỉ riêng tại miền Thuận Quảng, thật khó liệt kê hết những gì Lê Quý Đôn đã “mắt thấy tai nghe, dùng bút ghi chép”, trong quãng thời gian cụ giữ chức Tham thị kiêm hiệp trấn Thuận Quảng, năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776).
Nhưng hậu sinh vẫn có thể hình dung những túi xách của tiểu đồng cứ nặng dần theo thời gian. Chỉ riêng chuyện kể về Hương Hải thiền sư, người từng dựng am tu ngoài Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm), đã thấy chép ngót 39 trang sách trong quyển thứ 9, Thiền dật, gồm hành tung, chuyện lạ, các bài kệ…
Ngay trong quyển 1, Châm cảnh (khuyên răn), để kể sơ lược về “lời dạy điển hình của tiền hiền” mà cụ từng nghe nhiều và ghi thành tập nhỏ, cụ liệt kê 17 gạch đầu dòng.
Giới chuyên môn sau này đánh giá rất cao phần Châm cảnh này. Theo Viện Sử học, giá trị của phần Châm cảnh không phải ở chỗ nội dung có thích dụng với thời đại của chúng ta hay không, mà ở chỗ nó phản ánh được một phần trạng thái tư tưởng và hình thái ý thức của người Việt thời xưa.
“Muốn hiểu tình hình tư tưởng và hình thái ý thức của người Việt đời xưa, không đọc phần Châm cảnh trong Kiến văn tiểu lục là không được”, Viện Sử học giới thiệu.
Ghi chép vụn thành danh tác
Tương truyền, sau khi ẩn sĩ Nhật Bản Urabe Kenko chết ở Iga, nhà thơ võ tướng Imagawa Ryoshun đã cho người hầu cận tên Myoshomaru từng quen biết ngài Kenko gom góp những gì mà vị ẩn sĩ từng viết trên giấy dán tường và mặt sau những cuốn kinh, rồi gom góp thành 2 tập thơ, 2 tập tùy bút. Hai tập tùy bút kia giờ được biết đến dưới tựa Đồ nhiên thảo.
Ngay cả tuổi tác của Urabe Kenko hiện cũng chỉ là đoán định: ông sinh khoảng năm 1283 và có lẽ mất năm 1350. Ông từng có 6 năm làm việc trong cung của thiên hoàng Go Nijo, được phong tước quan võ tả binh vệ tá. Khi thiên hoàng mất đột ngột, ông từ chức, vài năm sau bỏ đi tu, ẩn cư vào khoảng năm 30 tuổi, mất khoảng năm 67 tuổi…
Những dòng thông tin ấy được Nguyễn Nam Trân nhắc lại khi giới thiệu Đồ nhiên thảo, công trình do ông dịch chú và khảo dị. Đồ nhiên thảo, đọc theo tiếng Nhật là Tsurezure-gusa, diễn nôm là “buồn buồn phóng bút” - một trong Tam đại tùy bút Nhật Bản. Đã 7 thế kỷ trôi qua, kể từ ngày người ta nhặt nhạnh lại được bản thảo Đồ nhiên thảo mà vị ẩn sĩ chép vụn ở nhiều nơi…
Có đến 4 bản chính của Đồ nhiên thảo được biết đến, với tổng cộng 243 đoạn dài ngắn khác nhau. Đọc câu đầu trong đoạn 13 (Đối bóng ngọn đèn), có thể bạn sẽ có cảm giác ẩn sĩ Urabe Kenko đang thủ thỉ cùng bạn vậy: “Mở trang sách dưới ngọn đèn, như được làm bạn với người muôn năm cũ, không có gì cảm thấy an ủi cho bằng”.
*
* *
Nhưng không phải bản thảo nào cũng được lưu giữ trọn vẹn. Có những mất mát mà chính người trong cuộc phân vân.
Theo hồi ức Vũ Bằng viết trong tập chân dung văn học Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, một buổi chiều mưa phùn quãng đầu những năm 1950, ông đang ngồi trong căn nhà ở Lạch Tray (Hải Phòng) thì có 2 thanh niên lạ mặt chuyển đến tập giấy khổ lớn đã nhàu, dày khoảng 60 – 70 trang. Nhìn nét chữ li ti như con kiến, ông nhận ra ngay chữ của Tô Hoài.
Tối hôm ấy, Vũ Bằng đọc bản thảo và không biết nên gọi đó là bức thư hay một tác phẩm. Ông nhận xét, Tô Hoài đã gói ghém cuộc đấu tranh của các người bạn văn nghệ sĩ với bao nhiêu nỗi đau khổ ở những vùng nước độc ma thiêng, mà nếu sau này văn học sử cần một tác phẩm viết lại diễn tiến cuộc đấu tranh gian khổ diệt Nhật chống Pháp và công lao của các anh em cầm bút thì đây chính là tác phẩm đặc biệt.
Có điều, Vũ Bằng vẫn chưa rõ vì sao Tô Hoài gửi tác phẩm ấy cho ông, vì sau đó cả hai không có dịp gặp lại nhau. Thậm chí, có thể chính Tô Hoài cũng không biết Vũ Bằng đã đánh mất bản thảo nào của mình… Vũ Bằng chỉ còn nhớ mang máng đã đánh mất tác phẩm của Tô Hoài lúc mới vào miền Nam, bao nhiêu tài liệu mang theo đều bị cháy.