Anh thanh niên nằm cùng phòng trong bệnh viện thi thoảng mơ mớ trong giấc ngủ đêm. Nhớ lại đôi mắt u buồn của người cha lúc ẵm con đóng tiền tạm ứng trong chiều mưa, hay khuôn mặt u sầu của người vợ khi biết chồng bị ung thư vòm họng... đã ám ảnh làm tôi mất ngủ nhiều đêm.
Ba lần đưa con vào bệnh viện. Bầu trời Sài Gòn xám xịt và những làn mưa trắng xóa. Tôi đã không ít lần tản bộ dưới phố, ướt sũng; hay ngắm mưa qua cửa sổ suy nghĩ vu vơ về thân phận con người “sống gửi” ở thành phố này. Một cụ bà đã ngoài 80 kiếm sống từ tấm bạt chỉ hơn mét vuông bày bán vài chồng sách, báo cũ, xen lẫn đồ dùng linh tinh đã qua sử dụng ngay con hẻm không tên trên đường Trần Quốc Thảo. Sài Gòn mùa đông không đủ lạnh, mùa hè không gió chướng, bà cụ đeo cái áo tơi chăm lá cọ mời khách mua mà cũng không tránh được hạt mưa sa. Mưa chiều trút cái rầm, trở tay không kịp, lớp sách báo rệu rã, cụ ngồi quệt xuống đường, bần thần như lão ăn xin. Tôi mua một cuốn sách bìa rách tả tơi mà không cần biết trong ấy viết những gì, dường như đôi mắt cụ sáng lên nhìn khách ra vẻ hàm ơn. Tôi chào: “Cụ không phải người Sài Gòn, cháu con đâu mà phải mưu sinh thế này?”. “Bà không nhớ rõ lắm. Ừ quên, mà nghe nói quê tận Cà Mau. Gia đình ly tán hết, ở bển không người thân, theo con gái lên đây sau giải phóng đến chừ. Hai mẹ con già ở trọ phía sau bệnh viện này” - giọng cụ rời rạc. “Ly hương cụ buồn lắm thì phải?”. Không để ý đến lời quan tâm của tôi mà bà cụ hỏi lại, cháu vào bệnh viện này lâu chưa? Ở đây có tiền mới mua được sức khỏe cháu ạ! Câu nói thiệt tình (có thể vô tình) của cụ dội vào tai, truyền nhanh vào não trạng, bắt tôi nghĩ ngợi mông lung về người đàn ông mà mười ngón tay dính đầy bùn đất nằm chung phòng lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng lo liệu cho con. Nhớ, ngày biết con kém may mắn, nhiều đêm vợ đã khóc ướt nhèm “cánh tay làm gối” của tôi. Nhớ, những ngày mà cái quầy tạp hóa nhỏ trong chợ gầy dựng bao năm phải tự đem ra định giá, rồi an ủi nhau bằng cái thở phào nhẹ nhõm. Lại nhớ những đêm đông, tiếng con trùng tìm bạn réo riết bên sân vườn, vợ tự tay đan áo len cho con và tặng người thân chỉ mong được giữ ấm lúc trái gió trở trời.
Khám bệnh ở bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: N.T.C |
Mưa tạnh, bà cụ lại dọn hàng ra, ngồi thu lu chờ đợi những khách cuối cùng ghé lại trong ngày tàn. “Cuộc đời mà cháu, có phần số hết. Trời kêu ai nấy dạ. Nghèo khó nhưng ông trời thương cho bà cái khỏe mạnh, ít đau bậy. Hai mươi năm kiếm sống ở góc bệnh viện này, bà đã chứng kiến nhiều gia đình ở quê lên khóc như mưa vì thiếu tiền chữa bệnh. Đời người là sống gửi thác về thôi. Như bà đây, bám riết lâu năm cái thành phố này cũng không dư dả tiền tìm về nơi nhôn nhau cắt rốn của mình” - cụ vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt. Phố bắt đầu lên đèn nhấp nháy. Ngày bắt đầu rụng xuống như trái chín, sao mà nghe xót xa (!).
Những ngày chăm con trong cái bệnh viện hạng sang với phòng ốc đủ đầy tiện nghi, sạch sẽ, nhưng đâu thể khỏa lấp sự âu lo. Từ Đồng Tháp Mười, một mình Tỵ đã đưa con gái 11 tuổi lên thành phố cấy ốc tai điện tử (phương pháp điều trị cho trẻ em mất thính lực). Giường rộng đủ cho 2 người nhưng anh vẫn giữ thói quen nằm dưới nền đất. Tỵ kể, đã qua nhiều năm lam lũ làm 9 công ruộng, mở thêm cái tiệm cắt tóc sát trung tâm xã; vợ bán trong căng tin một trường tiểu học dưới quê, mới tích góp đủ tiền lo cho con một bên tai. Gần 10 năm trước, vợ chồng anh chết lặng khi bác sĩ bảo, con gái đã mất thính lực bẩm sinh. Thương con nhưng gia đình bế tắc xoay xở vì cả gia tài dù có bán hết cũng chưa đủ 1 tỷ đồng điều trị. “Tôi không bao giờ quên buổi chiều năm đó, đứng bần thần đón xe mà cũng chẳng biết về đâu. Tôi nói vu vơ cái gì đó với vợ khi khuôn mặt ướt đầy nước mưa và thứ gì mằn mặn như là nước mắt thấm vào môi. Nhìn mưa lặng lẽ rơi mà như xát muối vào vết thương lòng” – Tỵ nhớ lại.
Trước ngày phẫu thuật, cha con Tỵ đón xe đò lên làm thủ tục, đóng tiền cho nhà cung cấp thiết bị y tế. Lần này mang lên thành phố gần 30 triệu đồng, anh sốt sắng lo các khoản viện phí, mong thời gian trôi nhanh từng ngày. “Tôi nông dân tay lấm chân bùn, bác sĩ bảo sao nghe vậy. Bây giờ nghĩ lại thấy mình ngu, mất tiền cả hàng chục triệu đồng. Vì lo tương lai cho con mà gần mười năm nay, vợ không dám sinh đẻ thêm dù rất khát khao. Nếu không chữa hết bệnh cho con, tôi sẽ kéo cả làng lên quậy cho mà xem” – anh nói trong ấm ức. “Sao ngu?” – tôi thắc mắc. “Ngu quá đi chứ, họ biết con mình chỉ cấy ốc tai bên trong thì mới nghe được, thế mà còn bắt gia đình mua máy trợ thính hãng này hãng kia, không có tác dụng gì hết. Tức chết đi được”. Chuyện Tỵ kể không xa lạ gì với tôi, vì gia đình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Những chỉ số thính lực trong hồ sơ bệnh án gần như đã được các hãng cung cấp thiết bị tiếp cận rất nhanh. Chuyện bệnh viện và các hãng cung cấp thuốc, thiết bị y tế “bắt tay” nhau ăn chia lợi quyền gần đây hay được bêu lên báo. Sự năng động của thị trường kinh doanh, mặt trái của thương mại hóa đã len lỏi vào chính cái nơi chỉ có mỗi thiên chức cứu người. Qua nửa đời người, yêu quá đỗi cuộc đời này mà tôi vẫn thấy có cái gì đó chông chênh. Trong cuộc sống hiện đại, hình như con người quá tất bật, say sưa làm ăn mà không còn thời gian để chia sẻ với sự khốn cùng của mọi người chăng? Lời bà cụ “ở đây có tiền mới mua được sức khỏe”, nghiệm lại tôi thấy một phần đúng trong những gia đình không may mắn có con bị một số dị tật bẩm sinh.
Ở đâu có bệnh viện thì chung quanh đó có dịch vụ “ăn theo”. Ngay cả các bệnh viện ở trung tâm quận 3 (TP. Hồ Chí Minh), “chợ” di động cũng hình thành. Người buôn bán ở đây chủ yếu phục vụ đồ ăn thức uống cho bệnh nhân, người nhà thăm nuôi theo giờ giấc cố định, nên giá đều rất rẻ, phục vụ chu đáo, đôi khi còn được niềm nở hỏi thăm; chứ không như ở căng tin bệnh viện giá đắt đỏ, còn phân biệt đối tượng phục vụ. Con biếng ăn nên tôi thường vào những quán sạch sẽ, có đủ món để chọn nhưng cũng chẳng yên ổn chút nào. Một hôm, bà chủ quán có nước da trắng bạch nhăn nhó: “Cậu làm ơn cho bé ăn nhanh để còn chỗ cho khách vào”. “Tí em trả thêm tiền ngồi lâu” – tôi đáp lại. Chủ quán lẩm bẩm trong miệng như muốn đuổi khách đi mau. Đến một số quán có vẻ sang trọng mua đồ ăn cho trẻ, người ta cũng mong bán lấy tiền cho xong chứ chẳng hề hỏi một câu trẻ thích ăn gì. Những ngày nuôi bệnh tôi nhận ra, dù trước cổng bệnh viện có thể đồ ăn không hợp vệ sinh, bù lại con người dễ tìm thấy sự đồng cảm, ấm áp bởi tình người hơn. Đời sống đô thị đã cuốn con người vào vòng xoáy thị trường, nơi mà đồng tiền cũng biết “nói năng” chăng? Đành rằng, ở đâu trên thế giới này cũng tồn tại hai mặt tốt – xấu, thiện – ác đan xen nhưng có phải cuộc sống thay đổi nhanh đến mức con người không đủ thời gian và bớt sân si để sống cho xong một kiếp người? Đời người ai cũng qua cửa ốm đau, bệnh tật. Trời kêu ai nấy dạ. May mắn của người này đôi khi là bất hạnh của người kia. Qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai, luật cân bằng của vũ trụ là thế. Có điều, dù có vật đổi sao dời chỉ mong sống trọn nghĩa một kiếp phù du.
Con gái đã xuất viện về quê. Nắng đông hanh hao bên cây rơm chơ vơ trong vườn nhà. Nhìn con bay nhảy hồn nhiên, tôi mơ về một chân trời mới.
Ghi chép: TRẦN HỮU PHÚC