Nhặt chuyện thi cử

ĐĂNG QUANG 18/05/2015 08:07

Mỗi năm đến độ này là học trò lại chộn rộn lo toan mùa thi cử. Chỉ còn vài ngày nữa là Quảng Nam tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 toàn tỉnh.

Việc học cứ phải thi.

Đã thi hẳn phải cố đậu.

Chuyện học hành và thi cử vẫn đeo đuổi năm tháng học trò là thường. Mà học trò xứ Quảng, hay nước Việt này đi thi thì thường giỏi. Tin vui được các báo dẫn nhiều là Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã xếp hạng giáo dục phổ thông của Việt Nam ở vị thứ 12 trong 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt qua cả... Anh và Mỹ. (Đây có là điều bất thường không, khi giáo dục phổ thông như thế nhưng nhiều người Việt vẫn ôm mộng du học qua Mỹ (?!). Hay như ý kiến nhận định đó là kết quả của việc “nuôi gà chọi”, giỏi lý thuyết mà kém phát minh, sáng chế ?).

Học trò thi đã đành mà thầy giáo cũng phải thi. Thông tin mới từ Đà Nẵng là  tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó cho các trường tiểu học, THCS tại các quận huyện của thành phố. Ở Quảng Nam cũng từng có trường tổ chức thi rồi nhưng quy mô áp dụng không rộng khắp địa bàn. Dĩ nhiên, chuyện thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó mà minh bạch thì sẽ phần nào hạn chế nạn “chạy chọt” vốn âm ỉ lâu nay trong việc bổ nhiệm theo cách truyền thống. (Giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, trò thi thì thầy cũng phải thi mới... cử được người giỏi).

Việc “ông thầy” đi thi cũng ổn thôi. Chỉ có mấy chuyện gần đây xì xào là việc thi để lên ngạch, lên chức ở cán bộ hành chính. Một vị là phó chủ nhiệm ủy ban tư pháp của Quốc hội nhận xét có cán bộ đi thi chuyên viên cao cấp mà viết bài “nguệch ngoạc vài câu” chẳng ra làm sao. Có vẻ chua chát khi thấy được hiện trạng toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở “mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình”. (Nếu cứ để tình trạng đó xảy ra mãi thì bao giờ mới có đội ngũ chất lượng vàng, hay phải tạm xài  những người mua chức... bằng vàng có chất lượng). Với cán bộ, việc tổ chức thi tuyển các chức danh là điều tốt để tạo chuyển biến về cơ chế dùng người, tuy nhiên chất lượng tới đâu cần phải có điều tra, khảo sát để đánh giá. Vì nếu khâu thi chỉ hình thức là thêm chuyện “chạy điểm”, “chạy chức” để cử ra người không xứng đáng mà thôi.

Quay trở lại chuyện đi thi của học trò. Với học sinh THPT, qua kỳ thi này là để học tiếp, sau đó kiếm việc làm với mảnh bằng đại học. Tưởng mọi cánh cửa đều mở nhưng thực ra còn lắm vấn đề nan giải. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội từng cho hay, có thời điểm gần 170 nghìn người trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Quy ra tỷ lệ, có tới 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20 - 24 có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị tiếp tục ở mức cao (hơn 12%). Trong khi giáo dục đại học vẫn đang tìm kiếm con đường để nâng cao chất lượng, luôn tư vấn, quảng bá là đầu ra của “sản phẩm” ấn tượng nhưng đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng sẽ khiến nhiều người lưỡng lự lựa chọn có cho con đi thi đại học nữa hay không.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhặt chuyện thi cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO