Những câu chuyện bên lề khi ngồi cùng các cán bộ xã Phước Lộc (Phước Sơn) bên mâm cơm, mới thấy chuyện đi vận động đồng bào dân tộc thiểu số lắm lúc cũng bi hài.
Cán bộ y tế thôn bản Hồ Thị Nhung vận động người dân trong thôn đi tiêm vắc xin. Ảnh: VĂN HÀO |
Ông Nguyễn Đức Toàn được huyện tăng cường về giữ chức Chủ tịch UBND xã Phước Lộc mới được hơn một năm nay, nhưng có cả “kho kỷ niệm” trong việc đi tuyên truyền. Ông Toàn tâm sự rằng, vừa rồi đi giải thích riêng vấn đề cái cây kim tiêm thôi mà cán bộ phải nói mỏi cả lưỡi. “Cũng đúng thôi, đồng bào các thôn 8A, 8B mấy ai biết “mặt” cái cây kim tiêm. Họ khăng khăng kêu dùng một cái kim tiêm nên sẽ lây bệnh. Không tiêm!” - ông Toàn kể. Vậy thì, ít nhiều đồng bào cũng từng được nghe qua loại dụng cụ y tế này và cũng biết lây bệnh, hẳn tác dụng từ việc truyền thông của cán bộ y tế thôn bản. “Chúng tôi nói rõ ràng 3 đợt tiêm 3 mũi thuốc, họ lại cứ nghĩ tiêm 3 mũi cùng lúc. Đau, nên không tiêm!” - ông Toàn nói tiếp. Giải thích là điều tất nhiên nhưng làm sao để đồng bào tin là cả một vấn đề. “Ngày đó cứ đến điểm tiêm chủng, nhìn cán bộ được tiêm như thế nào thì dân mình cứ làm theo” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc - Tạ Văn Thượng có cách vận động như vậy.
Tuyên truyền bằng hình ảnh qua màn hình máy chiếu, một cách làm rất hay và sáng tạo. Để có những hình ảnh chân thực, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn phải vận chuyển máy móc tận ngoài huyện vào, chuẩn bị đầy đủ xăng dầu phục vụ. Chưa kể trước đó phải cất công ghi lại việc tiêm chủng ở các xã bên để đánh vào tâm lý người dân 8A, 8B vốn chẳng biết tiêm chủng là gì. Chiều ngày 27.7, khi chúng tôi cùng đoàn công tác của Sở Y tế vào thôn 8B thì thấy mọi thứ đã sẵn sàng để chuẩn bị cho đêm chiếu phim. Ngay cả Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn - bác sĩ Đặng Xuân Vinh cũng sang gõ cửa những ngôi nhà xung quanh, và bảo: “Tối nhớ đến xem phim. Hay lắm!”. Thích thú, tò mò là cảm giác chung của người dân các thôn 8A và 8B trong buổi xem phim. Sống tại vùng chưa có ánh điện, xem ti vi là điều xa xỉ thì việc mang những “điểm mới” vào đây đã thu hút được sự hiếu kỳ của bà con. Một sự tuyên truyền vượt qua những lời nói suông mà bằng những việc làm, hành động cụ thể. Tất cả được thể hiện ngay trên màn ảnh.
Xuyên suốt buổi chiếu phim là những lời dẫn, lời bình phát ra từ chị cán bộ y tế thôn 8B, Hồ Thị Nhung. Cầm trên tay micro, với giọng bản địa rành mạch của chị khiến bà con theo dõi chăm chú. Ai cũng biết, vai trò của đội ngũ y tế thôn bản là vô cùng quan trọng, vì gần gũi với dân nên rất dễ vận động. Nói dân dễ nghe và làm theo. Rất nhiều câu hỏi, tình huống đặt ra trước ngày tổ chức tiêm chủng. Trong đó sợ nhất là dân bỏ đi lên rừng, không chịu tiêm. Song, những lo lắng đó sớm tan biến khi bà con kéo đến sân làng mỗi lúc một đông để tham gia chiến dịch tiêm vắc xin. Thay đổi hẳn nhận thức của đồng bào nơi đây trong việc khám chữa bệnh không phải là chuyện nói là làm được ngay. Nhưng từ những chuyển biến tích cực ở công tác tiêm phòng khi lần đầu tiên hai thôn 8A và 8B được tiếp xúc với vắc xin, ai cũng có quyền tin tưởng về một “luồng sáng” được soi chiếu chốn thâm sâu này…
VĂN HÀO