Ch’nóc, cái tên vẫy gọi giữa đại ngàn trập trùng nơi vùng cao khu 7, nghe như tiếng chim tring thả vào nền trời xanh xa thẳm. Ngược núi tìm về với Ch’nóc, để nghe tiếng cờ Tổ quốc reo vui giữa đồi tranh xào xạc gió, hòa cùng nhịp cồng chiêng một đêm hội trầm hùng…
Cột cờ Tổ quốc ở đồi tranh Ch’nóc. |
Ngày… tháng…
Khu 7 (Tây Giang) nằm lọt giữa trập trùng mây trắng, nơi những đám mây ôm ấp lấy bản làng trong một sớm hưng hửng nắng. Lần lượt đi qua những cái tên rất lạ, Ch’nóc, Atu, Voòng, G’lao, Chigô, Pứt… nhưng thú nhất vẫn là khoảnh khắc mây sà xuống phủ lấy từng nóc nhà, từng mái gươl. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cứ liếc mắt ra ngoài khung cửa gỗ, là thấy mây. Nhiều lúc có cảm giác như chính mình cùng căn nhà gỗ đang trôi, trong yên bình.
Ngày… tháng…
Tôi ngược lên cột mốc 692, nơi cửa khẩu phụ Tây Giang – Kà Lừm đã mở cửa, bắt gặp mái lá nhà duông nằm thấp thoáng giữa khoảng ruộng bậc thang xanh rì. Cụ Tơngôl Kiên (87 tuổi), chỉ vào 2 con rựa nằm trong chiếc gùi, ý rằng đang đi rẫy, sau khi chào khách lạ bằng tiếng Kinh lơ lớ khó nghe. Hỏi đường vào bản, cụ Kiên xua tay, bảo ban ngày dân bản lên rẫy hết, chỉ còn vài người già yếu và lũ trẻ con, đến chiều tối mới về. Cũng lạ, phần vì ở nhiều nơi khác, chuyện ban ngày đàn ông ở nhà uống rượu, đàn bà đi rẫy là thường. Vậy mà ở khu 7, người già như cụ Kiên vẫn cần mẫn đi đi về về với khoảng ruộng, với cây lúa, mới biết họ quý hạt gạo, hạt thóc như thế nào. Lạ nữa, là đi đâu cũng thấy ruộng bậc thang. Để có được những khoảnh ruộng bậc thang ấy, là mồ hôi đổ xuống và còn là cả quá trình đi tìm con nước, dẫn nước về. Hỏi ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cũng chính là một người con của khu 7, ông Liếc bảo người Cơ Tu biết làm lúa nước từ đời cố, đời ông, và vẫn duy trì đến nay. “Nhiều nơi lúa không thiếu, gạo không thiếu, vì ngoài lúa nước còn có cả lúa nương, còn có nếp đỏ. Bây giờ, nhiều làng còn dư gạo mang bán cho đồn biên phòng, không nhận gạo cứu đói”.
Tôi chạm tay vào cột mốc 692 nằm trên triền đồi ngay sát vị trí cửa khẩu phụ đang được mở, ngước nhìn lá cờ đỏ bay phấp phới giữa nền trời xanh thăm thẳm, chợt thấy bình yên đến nao lòng.
Ngày… tháng…
Ngày khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang (Quảng Nam) - Kà Lừm (Sê Kông), vùng biên như mở hội. Đêm đến chung vui cùng bà con Cơ Tu của hai nước Việt – Lào mới thấy một cuộc sống rất khác, rất lạ so với những lam lũ thường nhật của vùng cao. Ban ngày bản làng vắng vẻ, im lìm là thế, nhưng đến đêm, ánh lửa rực sáng cạnh gươl, từng nhịp chân theo điệu tâng tung, da dá trong lễ đâm trâu, hòa cùng tiếng reo, tiếng hú giao hoan với đất trời. Cuộc vui kéo dài đến tận hừng đông, khi cả khách lẫn chủ đều ngà ngà trong hơi men tà đin, tà vạt.
Mái nhà duông nằm bên ruộng bậc thang, đẹp như tranh thủy mạc. |
Sáng sớm, đoàn chúng tôi theo chân bộ đội biên phòng lên đồi tranh Ch’nóc, nơi ngọn cờ Tổ quốc nổi bật giữa màu xanh. Cỏ tranh cao quá gối, xào xạc theo gió. Nghe rõ tiếng cờ bay phần phật giữa trời, cả đoàn người lặng đi vì… quá đẹp. Cờ Tổ quốc nằm trên đỉnh đồi, con đường mòn dẫn lên như một vệt dài chen giữa đồi cỏ tranh. Mặt trời vừa lên, từ dưới chân cột cờ, có thể phóng tầm mắt ra xa để dõi theo đồi núi trập trùng không dứt. Có nắng, gió, trời mây bao la, và trên hết là lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh reo trên vùng trời Tổ quốc. Một cảm giác rất đặc biệt: vừa thiêng liêng, vừa tự hào.
Ngày… tháng…
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần tác nghiệp ngay dưới chân cột cờ Tổ quốc giữa đồi tranh. Để kịp đưa tin về lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm, tôi và phóng viên ảnh Minh Hải tranh thủ tác nghiệp và gửi về tòa soạn ngay khi hoàn thành. Ở vùng biên, để nghe được điện thoại phải loay hoay tìm nơi hứng sóng, để tìm được sóng 3G càng khó hơn. Vị trí duy nhất được các anh biên phòng giới thiệu là tại đồi cỏ tranh.
Chiều biên giới trung tuần tháng 4 là mùa mưa dông ở miền núi, ban ngày trời trong vắt, nhưng cứ đến chiều là đổ mưa. Con “ngựa sắt” ì ạch không qua nổi những vũng lầy dọc đường, chúng tôi bỏ xe cuốc bộ từ làng Ch’nóc lên đồi tranh. Chiếc dù duy nhất được ưu tiên để che… 2 cái laptop, nhưng “cánh sóng” tiếp tục đánh đố khi mạng 3G báo sóng chập chờn. File văn bản chỉ vài chục kB, ảnh đã nén lại đến mức nhẹ nhất có thể, vậy mà chiếc laptop đầu tiên báo hết pin rồi tắt ngúm, trong khi vẫn không thể đăng nhập vào hòm thư điện tử. Lôi chiếc laptop thứ hai, kết nối, rồi lại mất, lại kết nối, nín thở chờ máy báo chuyển thông tin theo tốc độ chậm hơn rùa bò. Khi nhận được thông báo chuyển thư thành công là lúc chúng tôi thở phào, nhìn lại mình thì người đã ướt như chuột lột. Ngước nhìn lên, vẫn thấy lá cờ Tổ quốc bay trong ráng chiều…
NGUYỄN THÀNH CÔNG