(QNO) - Đọc lại những trang nhật ký của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương ghi ở “đỉnh máu”- 1062 (thuộc khu vực mặt trận Thượng Đức, Đại Lộc) ngày ấy, tuổi trẻ hôm nay có thể cảm nhận được phần nào những suy nghĩ, hành động của một thế hệ thanh niên anh hùng thời chống Mỹ.
|
Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương lúc ở chiến trường. |
Khi Lê Mã Lương đang học cấp III là lúc đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc dữ dội, chiến trường miền Nam đang thời kỳ nước sôi lửa bỏng, cả nước dấy lên phong trào tòng quân đánh Mỹ. Là con liệt sĩ, thuộc diện ưu tiên được đi học ở nước ngoài và miễn nhập ngũ nhưng tháng 7.1967, chàng trai quê ở xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vẫn xung phong đi bộ đội. Anh được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Sau những ngày huấn luyện khẩn trương, tháng 12.1967 Lê Mã Lương được lệnh vào chiến trường Quảng Trị, tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở đường 9 Nam Lào, Lao Bảo, Cửa Việt...
Lê Mã Lương có mặt ở điểm cao 1062 ngay từ những ngày đầu với cương vị Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 anh hùng và được phong quân hàm Đại úy ngay tại chiến trường ác liệt này. Anh đã chứng kiến những khó khăn, gian khổ, mong manh giữa sự sống và cái chết bởi đạn pháo của kẻ thù. Để đánh vào điểm cao này, sư đoàn dù đã huy động 58 khẩu pháo hạng nặng, mỗi ngày bắn 9.000 quả đạn. “Đêm qua bị một trận cấp tập, pháo chụp vào đội hình, riêng hầm mình cũng “được lĩnh” một quả. Rất may, nếu là pháo khoan thì cả ba ngoẻo rồi. Toan nằm dán chặt vào góc hầm. Sơn nằm giữa, hai tay úp chụp sau gáy, chổng mông, tựa như người tế sao. Mình ngồi xổm, đề phòng hầm sập. Khói bụi sặc sụa, chớp lửa nhì nhằng…” (nhật ký ngày 18.10.1974). Khi còn là chiến sĩ, Lê Mã Lương đã từng chạm trán và quật ngã nhiều tên lính dù trong những ngày giữ chốt của chiến địa lịch sử Nam Lào, hiểu được bản chất gian manh, quỷ quái của của “thiên thần mũ đỏ”. Khi “hội ngộ” lính dù ở đỉnh 1062, anh nhận thấy bản chất ấy không hề thay đổi: “Thằng địch cũng táo tợn lắm, lùng sục suốt đêm, dầm mưa không ngủ, giành với ta từng thước đất” (nhật ký ngày 14.11.1974).
Anh hùng Lê Mã Lương tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Đức - ý nghĩa và bài học lịch sử” tổ chức tại huyện Đại Lộc vừa qua. |
Không chỉ có “địch họa”, “thiên tai” cũng là một kẻ thù không kém phần nguy hiểm, đe dọa khả năng chiến đấu của quân ta. Thượng Đức bấy giờ đang vào mùa mưa: “Trời đất mới quáí ác làm sao. Ngày đêm mưa rả rích - gió từng cơn đổ ào ào, thỉnh thoảng có những cành cây đổ đánh rầm, đã thế lại pháo kích… Nước khe đổ ầm ầm. Hầm ở sụt lở, tan hoang” (nhật ký ngày 2.11.1974).
Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 21 tuổi đời và 4 tuổi quân, Thiếu tướng Lê Mã Lương nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh kẻ thù”. Anh là thần tượng của tuổi trẻ cùng thời: “Đẹp biết mấy bài ca ra trận/ Mỗi chàng trai, một Lê Mã Lương” (Tố Hữu). Một phần trong cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng của Lê Mã Lương gắn liền với mặt trận Thượng Đức ác liệt cách đây tròn 40 năm. |
Vượt lên muôn ngàn khó khăn, các chiến sĩ trẻ của sư đoàn 304 vẫn kiên cường trụ bám. Là người chỉ huy, Lê Mã Lương nhận thấy và cảm phục ý chí ấy. Nhật ký ngày 8.11.1974 ghi: “Không thể có lời ngợi ca nào bao trùm đủ về lòng dũng cảm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị giữ chốt. Địch đã dùng 5 đại đội bộ binh, hàng vạn quả pháo, hàng chục lượt chiếc máy bay đánh vào các chốt của ta. Song không có sức mạnh nào của địch làm chiến sĩ ta nao núng... Mình sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người chiến sĩ quả cảm như Lê Hồng Sửu - Chính trị viện Đại đội 2 anh hùng; như Đại đội trưởng Đinh Đình Bình, Trung đội trưởng Hảo, chiến sĩ Mùi... Đêm qua mình lên thăm và kiểm tra chốt Tiểu đoàn 4 trên 1062. Đứng trên đỉnh cách địch 70m, thỉnh thoảng những quả pháo và cối tay bắn sang. Mùi thối của hàng trăm xác địch bốc lên làm mình buốt óc, bỗng trong lòng dấy lên một niềm tự hào về sự chịu đựng kiên cường của người chiến sĩ. Mình dựa vào một cây không còn cành. Nơi đây cũng không tìm ra cây nào có cành, đất bị xới nát. Chi chít những hố pháo khoan, đi trong đất tựa hồ như lội ruộng…”. Nhật ký của Lê Mã Lương còn dẫn lời các phương tiện thông tin đại chúng của địch đưa tin về thất bại của quân dù: “Quân đội Sài Gòn đang vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của Trung đoàn 24 mang tên trung đoàn thép. Bước tiến của sư dù mỗi ngày một dè dặt hơn vì liên tục bị thiệt hại nặng” (Đài BBC); “Lính dù đang gặp một đối thủ đáng gờm nhất: Sư 304” (Đài Phát thanh Sài Gòn).
Giữa những trang nhật ký thấm đẫm tính chân thực và bi tráng của cuộc quyết chiến trên đỉnh 1062, Lê Mã Lương đã ghi lại thái độ rõ ràng, thẳng thắn của một người đảng viên, người sĩ quan cách mạng về vấn đề tự phê bình và phê bình: “Mình chưa bao giờ tha thiếu sót nào của mình, dù là nhỏ nhất. Mỗi lần va vấp là mỗi lần lương tâm bị giày vò. Có những khuyết điểm thật hổ thẹn. Có ai không mắc sai lầm, khuyết điểm không nhỉ? Các vĩ nhân của ta đều có những sai lầm, có điều là lớn hoặc bé mà thôi. Vấn đề là người có khuyết điểm có quyết tâm sửa chữa hay không? Cái đáng trách là không dũng cảm nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm để khắc phục… Khi người ta nhận ra khuyết điểm thì chính là lúc người ta có nhiều ưu điểm. Ngược lại chỉ thấy mình ưu điểm không thôi thì chính là đang dừng lại. Nguy cơ xuống dốc là khó tránh khỏi. Mình nghĩ vậy có đúng không nhỉ?”. Câu hỏi của Anh hùng Lê Mã Lương trong nhật ký ghi ngày 9.12.1974 vẫn còn mang tính thời sự sâu sắc cho đến hôm nay.
VÂN TRÌNH