1. Khi bạn lớn tuổi, bạn ít ngủ đi và hay nghĩ về gia đình...Ở đó có niềm vui và những quan hệ huyết thống, thân tộc mà bạn thuộc về. Gia đình theo nghĩa rộng: Ở đó có bà con họ hàng, có gia tộc. Đó là một tế bào vững chắc trong đời sống văn hóa Việt. Ở đó, bạn có chỗ tựa, chỗ nương cậy và cũng ở đó, bạn sống có ý nghĩa hơn những thứ phù phiếm khác của cuộc sinh tồn. Chuyện sau đây là ví dụ:
Hôm qua một người thông gia đã về hưu hơn 10 năm đến chơi nhà. Anh nói về một người (quan chức có tên tuổi) mới ra đi và rằng tại sao không đưa ông ta yên nghĩ ở Nghĩa trang thành phố để mỗi năm được tổ chức, cơ quan đến thăm viếng, mà đưa về nghĩa trang gia đình?
Mình bảo chọn lựa đó là bền vững và sâu sắc. Ngày xưa, dưới chế độ miền Nam, bao nhiêu người danh giá nằm ở nghĩa trang Thủ Đức. Sau 1975 nó thế nào? Hoang phế, hư hỏng, người thân không đến thăm được. Nếu những người đó an táng ở nghĩa trang gia tộc thì đâu đến nỗi! Bạn thấy chưa, đến chết con người ta vẫn bị những suy nghĩ chính trị chi phối. Đâu có "yên nghỉ"!
Ông tổ đời thứ 7 của tôi là một quan thượng thư triều Tây Sơn. Khi cụ nằm xuống và yên nghĩ ở quê nhà, trải qua bao hưng phế chính trị, lăng mộ ông được họ hàng, con cháu và cả dân làng bảo vệ, gìn giữ đến bây giờ. Rất ít ỏi so với những công thần thời của ông. Tấn vi quan, thoái vi dân là vậy đó!
2. Lại nghĩ qua chuyện khác.
Đám em họ tôi đa số ở nông thôn và làm nông. Họ chỉ nghỉ Tết được đúng ngày Mồng Một. Sáng mồng Hai đã vội vã mặc lại những bồ cánh bạc màu, vội vã uống cốc cà phê sáng rồi ra những đám ruộng thuốc lá, ruộng lúa từ 5 giờ. Kẻ tưới nước, người phun thuốc trứ sâu, bón phân thúc nhánh... Hết mùa vụ nông nghiệp, họ lại phóng ra thành phố tìm việc trong lúc nông nhàn. Phụ hồ, lao công, buôn bán linh tinh. Có gì làm nấy... Trong khi đám trẻ ở nông thôn ít đứa học lên đại học, lại quay về cuốc ruộng, bỏ ra thành phố học việc hoặc thất nghiệp...
Công chức ở thành phố thì nghỉ Tết nhiều ngày, đi thăm chơi lắm chỗ. Ăn tiêu tốn kém, xe cộ rầm trời. Áo quần tươm tất...
Tất nhiên là xã hội đa dạng. Nhưng tôi chỉ nói đến người nông dân thôi.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới nói trong một thập niên vừa qua có đến 200 triệu người dân Đông Nam Á "moved to" đến các đô thị. Những cơ hội cho họ trong tốc độ đô thị hóa đó thì ai cũng rõ. Nhưng bao hệ lụy thì khó lường khi không gian sống thay đổi làm tâm tính, tâm lý và thói quen cũng bị thay đổi theo. Hệ lụy mang tính "vĩ mô" là môi trường sinh thái, nguồn nước và cả đạo đức nữa đã có nhưng dấu hiệu suy thoái trầm trọng. Các đô thị mới ở Trung Hoa hiện nay là một minh chứng.
Tôi nói với mấy chú em: tiền bạc là cần, nhưng cần nhất là môi trường sống trong lành, con cái được học hành, gia phong được gìn giữ!
Và tại sao chính quyền, các nhà quản lý không tính đến chuyện bảo vệ không gian sống cho khu vực nông thôn mà lại qui hoạch những khu phố phân lô xây nhà ống. Mà không tính đưa các xí nghiệp sử dụng nhiều lao động về nông thôn để giảm áp lực cho các đô thị và an dân ngay ở nông thôn với một mức sống ổn thỏa?
3. Truyền hình là một kênh thông tin có tác dụng rất mạnh, len vào cả phòng ngủ của chúng ta với những cái tốt và cái xấu.
Người dân ít có chọ lựa sản phẩm cho mình khi xem các chương trình truyền hình, nhất là các gameshow nhảm nhí và các kỹ thuật quảng cáo kích động tiêu thụ.
Truyền hình ít quan tâm đến giáo dục nhân cách nhưng lại nặng về thương mại và chính trị. Nghĩa là truyền hình đang tính chuyện lợi ích của họ chứ không hướng đến người tiêu dùng bằng hai cách: hoặc là áp đặt nhận thức, hoặc kích thích thị hiếu tầm thường.
Đó là điều hết sức nguy hiểm trong lúc văn hóa và giáo dục đang có dấu hiệu suy đồi hiện nay.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG