Khi bạn đọc cầm trên tay số báo này, ngoài khơi xa nhiều chiến sĩ công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn đang oằn mình với sóng gió để hoàn tất công trình đảo Đá Tây C, từ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi trẻ. Nhật ký “xây Trường Sa” là câu chuyện chúng tôi ghi lại trong chuyến theo tàu Trường Sa 21 ra xây công trình đảo Đá Tây A.
Đảo Đá Tây A - Trường Sa được xây dựng bởi những viên đá chuyển ra từ đất liền. Ảnh: TẤN VŨ |
BÀI 1: HẢI TRÌNH DÔNG TỐ
Vượt sóng
Ngày… tháng… năm…
TP.Vũng Tàu, 14 giờ 30 phút.
Tàu Trường Sa 21 kéo những hồi còi dài chào cảng. Con tàu từ từ rẽ sóng ra khơi. Hàng trăm người thân vẫy chào tiễn đưa con tàu đang chở niềm hy vọng của triệu triệu con tim hướng về Trường Sa.
Công tác chuẩn bị ổn định vị trí cho thủy thủ đoàn và công binh mới nhập ngũ trên tàu vừa xong trời bắt đầu đổ mưa. Màn mưa dày đặc đến nỗi những chiếc phao hướng dẫn ra cửa biển không còn nhìn rõ. Không khí ngột ngạt ngay từ những bước sóng đầu tiên. Thiếu úy Lại Thanh Sắc phụ trách hàng hải điều khiển con tàu ra luồng. Thuyền trưởng - Đại úy Nguyễn Tiến Dũng và 4 thuyền phó đều có mặt tại buồng điều khiển. Người đặt ống nhòm tìm phao, người tác nghiệp vị trí tàu trên hải đồ, người đọc độ sâu và khoảng cách các vị trí khác từ màn hình ra đa. Trước mũi tàu, thủy thủ phụ trách boong một tay bám chặt thành tàu, tay kia cầm bộ đàm liên tục đọc hướng mũi tàu và các khoảng cách.
“Hai mươi độ phải! Ba mươi độ phải!” - Thuyền trưởng Dũng hô to khẩu lệnh từ mạn phải tàu. “Ba mươi độ phải!” các thuyền phó và lái tàu đều lặp lại khẩu lệnh của thuyền trưởng một lần trước khi bẻ lái. Tay lái rẽ ngoặt ra phải nhưng con tàu vẫn cứ oằn mình sang trái. Kim đồng hồ dẫn đường theo la bàn vẫn không hề nhúc nhích. Thiếu úy Lại Thanh Sắc hô to: “Sóng lừng!”, rồi liên tục bẻ ngoặt lái sang phải để tránh một con sóng khủng khiếp tấn công vào mạn phải con tàu.
Hơn một giờ để con tàu tiến dần ra vùng biển lớn, thủy thủ đoàn thở phào nhẹ nhõm, từ đó theo con đường công vụ đã vạch sẵn trên hải đồ, con tàu nhắm Trường Sa thẳng tiến. Kéo tay áo lau mồ hôi, Sắc giải thích: “Sóng lừng là những con sóng có chiều ngang hàng chục mét hoạt động giống hệt như những cơn sóng thần nhỏ. Rất nguy hiểm, chúng có thể đánh úp tàu thuyền bất cứ lúc nào”.
Chuyến tàu chở những viên đá đầu tiên trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” ra khơi trong những ngày bão gió. Ảnh: Tấn Vũ |
Bên trên hầm hàng, phía trước buồng máy trưởng ở tầng 1 là nơi trú ngụ của gần 50 công binh đi xây đảo. Những chiếc chiếu cá nhân được trải dọc theo nền tàu, ba lô làm gối, các chiến sĩ bắt đầu bữa cơm tối. Suất ăn dành cho 6 người nhưng rất ít người cầm được chén đũa bởi những cơn say sóng rã rời. Nhiều người nôn thốc tháo thẳng xuống biển ngay trước boong tàu. Nhiều người cầm hơi bằng sữa hộp.
Những ngày đợi bão
Ngày… tháng… năm…
Sau hơn 48 giờ vượt sóng, với sự “trợ thủ” của những cơn gió mùa tây nam đẩy tàu đạt tốc độ 8,2 - 10 hải lý/ giờ, tàu Trường Sa 21 đã thả neo an toàn trong lòng hồ ở đảo Đá Tây.
Nắp hầm hàng của tàu được mở. Sáu chiếc xuồng máy và xuồng kéo được cẩu qua boong tàu thả xuống mặt biển. Một ít gạo, nước, thực phẩm cùng tư trang của công binh được chuyển lên đảo. Dự kiến ngày hôm sau những viên đá đầu tiên của bạn đọc đóng góp chính thức được chuyển lên đảo.
Mọi thứ không như kế hoạch. Ba giờ sáng hôm sau, trời chuyển dông, mặt biển đùng đùng dậy sóng. Lòng biển đang yên ắng bỗng rung lên bần bật. Những chiếc xuồng máy thả xuống biển kéo đá chiều hôm trước bị đứt phăng dây buộc trôi bồng bềnh ra giữa cầu tàu. Toàn đơn vị báo động, công binh mặc áo phao, đảo pha đèn pin lao xuống nước kéo xuồng. Hơn một giờ lặn hụp 3 chiếc xuồng được cột níu vào nhau an toàn sát đảo. Một ngày, hai ngày, ba ngày… trôi qua trong mưa gió. Biển cả như trêu cợt con người, có những hôm bình minh ở biển thật rạng rỡ, khi xuồng máy chuẩn bị xong thì biển lại dông gió nổi sóng.
Ngày… tháng… năm…
Ngày thứ sáu trên đảo, khi cơn bão số 4, có tên quốc tế là Nesat sắp ập vào Hà Tĩnh, Nghệ An, ngồi dưới làn mưa xám xịt nơi đảo xa nhiều chiến sĩ bắt đầu ngóng về đất liền. Binh nhì Đặng Quốc Toản, quê Hà Tĩnh, tâm sự: “Em vừa điện thoại về nhà. Mẹ và em gái đang lui cui cuốn đồ chạy lũ. Lo lắm, những năm trước mưa bão một tay em thu dọn. Năm này không biết nhờ ai”. Vừa trở về từ đảo Phan Vinh thì được đơn vị điều động đi xây đảo Đá Tây nên chẳng có thời gian về phép thăm mẹ. Toản và những đồng đội khác cùng đơn vị cứ ra vào nơi ô cửa sổ ở hướng tây căn nhà nhìn mưa gió…
Buổi tối sau bữa cơm anh em chụm vào chiếc ti vi ngóng tin bão. Có đến 80% anh em công binh quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng… nơi bão quét qua.
Ngày… tháng… năm…
Ngày thứ 10, bão số 4 chưa tan cơn bão số 5 với hoàn lưu cực mạnh quét qua Trường Sa. Anh em lại cuống cuồng chống chọi. Thực phẩm dự trữ từ tàu vẫn còn nhưng chúng tôi không có cách nào chuyển vào cho công binh. Rau xanh hết sạch từ 4 ngày trước. Nước ngọt dành cho công binh buổi sáng vừa đủ đánh răng, buổi chiều đủ thấm khăn ướt lau người, tất cả đều tắm bằng nước mặn. Phương án mượn gạo, thực phẩm dự trữ của lãnh đạo đảo Đá Tây A đã bắt đầu tính đến.
Ngày… tháng… năm…
Ngày thứ 12, khi nhu yếu phẩm cạn kiệt thì trời hừng sáng. Những chiếc xuồng máy lao nhanh về phía con tàu. Thực phẩm được ưu tiên chuyển ngay lên đảo.
Tàu Trường Sa 21 với độ giãn nước hơn 2.500 tấn những ngày trú bão trở thành chiếc phao vừa che chắn vừa là điểm tựa cho các tàu cá ngư dân vào đây tránh bão. Nước ngọt, thực phẩm, thuốc tây đều được sẻ chia. Hơn 10 ngày tránh bão là khoảng thời gian căng thẳng nhất của thủy thủ đoàn. Bốn người một ca trực, 3 giờ thay ca, bất kể ngày đêm. Nhưng chẳng ai được thay ca để chợp mắt bởi sóng gió liên tục tất cả phải thức canh tàu vì sóng có thể nhấc bổng đưa cả con tàu vào bãi cạn san hô cách đuôi lái chừng 100m. Bốn chiếc neo nặng 2 - 3 tấn được thả quanh tàu nhưng con tàu cứ trườn mình theo hướng gió quất về phía đảo cạn.
Ngày bão tan, chẳng ai còn nhận ra mình với khuôn mặt hốc hác, tóc khô dựng đứng vì gió, những đôi mắt sâu thâm quầng mệt mỏi vì thức đêm…
------------------
Bài 2: Phút “giao thừa” trong lòng biển
Lúc những viên đá đầu tiên thả xuống lòng đại dương, có người ví von phút giây trọng đại đó là phút “giao thừa” trong lòng biển giữa Trường Sa...
TẤN VŨ