Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 3: Những lái xuồng siêu đẳng

TẤN VŨ 27/11/2014 08:54

Chiếc xuồng máy chất đầy đá chẻ rướn ga vọt qua những con sóng cao gần 2m. Trong những ngày biển động, người lái xuồng phải đối mặt với nguy cơ xuồng úp, đá đè, tính mạng như “nghìn cân treo sợi tóc”, vậy mà hàng nghìn tấn đá đã được các lái xuồng chuyển tải thành công.

  • Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 1: Hải trình dông tố
  • Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 2: Phút "giao thừa" trong lòng biển

Cỡi sóng “tử thần”

Ngày… tháng… năm…
Chiếc áo màu xanh công binh ướt đẫm, ngồi co ro trong khoang lái, nếu không mở chiếc nón chẳng ai biết tóc ông Hưng đã bạc. Ông đang sửa lại tay ga của xuồng. “Sóng lớn đánh dạt nước vào đầy xuồng. Dây kéo tay ga bị ngập mặn nên phải chỉnh” - ông Hưng vừa vặn ốc vừa nói. Chưa đầy 10 phút sau, chiếc máy Yamaha 18 mã lực của ông tống ga, chiếc xuồng lao thẳng ra mép xanh của đảo hướng về mũi tàu Trường Sa 21. Đó là lần hỏng hóc hiếm hoi của xuồng HQ 72-85 do Thiếu tá Hoàng Hữu Hưng đảm nhiệm. Năm mươi tám tuổi, tính cả hai lần vào ra quân ngũ ông Hưng có hơn 38 năm đời lính. Hơn 10 năm lái xuồng HQ vận tải, lúc nào ông cũng là người tiên phong mở đường trong sóng gió.

Còn nhớ ngày đầu tàu Trường Sa 21 thả neo trong lòng hồ Đá Tây, xuồng HQ 72-85 được cẩu qua boong thả xuống biển trước tiên. Dù đã vào lòng hồ nhưng gió vẫn giật cấp 5 - 6, những con sóng bạc đầu cao hơn 2m đánh dạt vào mạn tàu. Thiếu tá Hưng thả dây leo qua thành tàu lao vào vị trí. Quay máy, giật mạnh dây ga, chiếc xuồng vọt ra khơi làm nhiệm vụ trinh sát tìm luồng cho các xuồng khác vào đảo. Ông và chiếc xuồng chòng chành như vận động viên lướt sóng, vọt lên cao rồi chìm khuất giữa hai khe sóng, lại lách trái, rẽ phải… Mất hơn 10 phút Thiếu tá Hưng định vị chính xác luồng chạy cho đoàn xuồng công binh vào đảo.

Ba chiếc xuồng khác cũng được thả xuống mặt biển để tải một số vật dụng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khung nhà tạm và chuyển công binh lên đảo. Mưa nặng hạt, gió rít, mặt biển cồn cào, những chiếc xuồng chòng chành chao nghiêng theo sóng. Chân trái ông Hưng đè lên dây ga, lẽ ra ga phải vặn bằng tay, nhưng những tay lái ở đây “cải tiến” lại bằng cách cột dây cước câu cá loại lớn nối thẳng vào tay ga. Một con sóng dựng đứng theo chiều gió cao gần 3m quật vào đảo, những tay lái xuồng ở đây gọi đó là sóng “tử thần” bởi nó xuất hiện đột ngột, rất khó né tránh và có thể nhấn chìm xuồng bất cứ lúc nào. Xuồng ông Hưng chạy trước, ông vẫy tay báo hiệu các xuồng sau giảm ga, quật tay lái cho con xuồng song song theo chiều sóng rồi lách nhẹ phần mũi để chiếc xuồng “leo” mình cắt qua thân sóng theo chiều xuôi. Chiếc xuồng rơi thỏm qua bên kia mép nước. Lần lượt ba chiếc xuồng còn lại nghiêng mình như động tác bổ nhào của máy bay ném bom để lách qua con sóng dữ.

Từ ca bin tầng 3 của con tàu nghìn tấn, mắt không rời những chiếc xuồng vọt sóng, Trung úy Nguyễn Trí Phong - Thuyền phó tàu Trường Sa 21 thán phục: “Dù chúng tôi được đào tạo chính quy ở Học viện Hải quân, có thể điều khiển cả con tàu nghìn tấn đi khắp đại dương, nhưng để lái xuồng được như các anh công binh quả là không dễ”. Phong cho biết, các tay lái xuồng công binh như Thiếu tá Hoàng Hữu Hưng, Thiếu tá Nguyễn Xuân Cung, Thiếu tá Trương Chí Thanh, Trung úy Bùi Văn Tuấn là tài sản không thể thay thế giữa Trường Sa lúc này.

Nhạc sĩ và truyện tranh

Phòng của các chiến sĩ công binh nằm đối diện với phòng các sĩ quan lái xuồng máy. Cách nhau một vách tre nứa trong căn nhà tạm nên đêm đêm có thể nhận biết giọng nói của từng người. Thiếu tá Cung hay hát, thiếu tá Hưng thích truyện tranh, Thiếu tá Thanh có giọng nói ầm ào.

Ngày… tháng… năm…

Đêm trăng hiếm hoi cuối cùng của năm trên đảo, ông Hưng móc trong ba lô gói trà đặc biệt vợ mua tặng trước ngày ra Trường Sa, pha ấm trà. Khác với dáng vóc của người đàn ông hiên ngang cỡi xuồng đạp sóng thường ngày, cầm cuốn Doremon trên tay ông Hưng cười tủm tỉm. “Chú đừng cười nhé! Nhớ con gái quá nên đọc truyện tranh. Ngày tôi đi đảo con gái 6 tuổi dặn bố phải đọc truyện tranh mai mốt biết mà về còn kể cho con nghe. Nhớ nó là tôi đọc” - ông Hưng tâm sự. Rồi ông kể, ngày ông vào quân đội khi tuổi đôi mươi là một tài xế. Ông lái những chuyến xe Zil ba cầu chở hàng từ Thanh Hóa xẻ dọc Trường Sơn qua tận nước bạn Lào. Lái xe được vài năm thì giải phóng, ông lại về quê rồi tiếp tục vào quân đội làm công binh hải quân. “Lẽ ra tôi về hưu lâu rồi nhưng anh em nói ở lại. Mà về hưu thì chẳng làm gì ngoài việc lái xe, tôi ở lại cùng anh em. Vợ trễ nên con muộn, hải quân mà!” - ông Hưng cười.

Đội xuồng 4 chiếc do Khung xây dựng Đá Tây lần này đảm nhiệm có lẽ là đội bám trụ lâu nhất tại Trường Sa. Thiếu tá Nguyễn Xuân Cung cũng đã 28 năm trong quân đội. Các ông chẳng ai muốn về hưu khi còn sức khỏe phục vụ Tổ quốc. Hơn 10 năm xây đảo từ An Bang, Thuyền Chài, Phan Vinh, Len Đao, Cô Lin… không nơi nào đội xuồng này chưa hiện diện. Nhấp chén trà, Thiếu tá Cung nhìn ông Hưng nói: “Đảo khó nhất vẫn là Phan Vinh anh Hưng nhỉ? Ở đó lòng hồ không có nên sóng rất to. Tàu neo xa nên kéo được một xuồng đá khó gấp mấy lần Đá Tây này”. Mười năm tham gia xây đảo, ông Cung đã chứng kiến những cái chết điếng lòng giữa biển. Sóng to, xuồng đá lật úp, dây kéo quấn vào người, đồng đội của ông đã lặng lẽ nằm lại ở độ sâu hơn 70m.

Những ngày ở đảo Phan Vinh công binh không có nhà tạm và nhà lưu trú như đảo Đá Tây, vậy mà chính những tháng ngày đó đã hun đúc ông Cung viết những bản tình ca rất đậm chất về người lính. Ôm cây đàn ghi ta ra trước hiên nhà tạm, ông Cung cất tiếng hát: “… Hôm nay ta ra công trường với tinh thần làm hăng say nhất/ Xây dựng ngoài Trường Sa/ Hải đảo trung dũng kiên cường/ Trường Sa ơi, cảng mới mến yêu ơi/ Tàu ra khơi dập dìu vui bến mới/ Đoàn 131 hăng hái quyết thắng/ Và ta đi bất cứ nơi nào/ Làm công trình trên biển xa…”. Giọng hát ấm và rất hùng hồn của ông Cung khiến các chiến sĩ trẻ bật dậy chạy đến vây quanh ôm lấy ông. Người bá vai kẻ quàng cổ như anh em một nhà. Dưới ánh trăng trên biển tiếng hát làm quên đi mọi nhọc nhằn của một ngày tất tả dầm mình trong sóng nước.

Hơn 10 năm đi xây dựng Trường Sa, tài sản ông Cung dành dụm được là 7 ca khúc viết về người lính, về đơn vị. Trong đó có 3 bài dự thi văn nghệ toàn quân và hai bài đoạt giải nhất. Khác với ông Cung, ông Hưng chỉ mang về một “bịch” truyện tranh mà ông sẽ kể cùng con gái trong lúc vui buồn. Rồi ngày kia khi con đã lớn ông sẽ kể cho con mình về Trường Sa nơi một thời ông lái xuồng chẻ sóng…

TẤN VŨ
Bài cuối: Người xây thành trì Tổ quốc
Công binh là vậy, một đời trong gian nan, họ mang sứ mệnh của những người âm thầm xây thành trì Tổ quốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhật ký "xây Trường Sa" - Bài 3: Những lái xuồng siêu đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO