Nhật: Nỗ lực gia tăng lao động nữ

NAM VIỆT 11/04/2016 10:39

Là nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến vấn đề lao động nữ.

Việc cân bằng lực lượng lao động tại thị trường Nhật Bản là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ Nhật khi ông Shinzo Abe lần thứ hai đắc cử Thủ tướng vào năm 2012. Khi đó, số lượng nữ giới tại Nhật tham gia thị trường lao động bị hạn chế do nhiều áp lực của nền kinh tế phát triển đến yếu tố xã hội và gia đình. Trong khi đó, lực lượng lao động nữ giới Nhật Bản được xem có trình độ học vấn và chuyên môn chất lượng cao hàng đầu thế giới. Với chính sách đặc biệt mang tên “womenomics” (kinh tế nữ giới), Thủ tướng Abe muốn khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn, nhất là sau khi sinh con. Thực tế cho thấy, với áp lực thời gian làm việc kéo dài và chăm sóc con cái, 60% - 70% phụ nữ Nhật nghỉ việc sau khi sinh con hoặc không muốn tiếp tục công việc họ đang làm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, lực lượng lao động nữ tại Nhật gia tăng là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đang bị trì trệ, đưa nền kinh tế Nhật “sống lại” sau thời gian khủng hoảng. Womenomics là một trong ba mũi tên trong học thuyết kinh tế của Thủ tướng Nhật, còn gọi là Abenomics. Theo dự báo, nếu đưa tỷ lệ nữ giới ngang bằng với nam giới, Nhật Bản sẽ bổ sung thêm 8,2 triệu người vào lực lượng lao động, nới rộng tăng trưởng GDP của Nhật.

Womenomics nhằm khuyến khích phụ nữ Nhật tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động. (Ảnh: Washingtonpost)
Womenomics nhằm khuyến khích phụ nữ Nhật tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động. (Ảnh: Washingtonpost)

Với chính sách hỗ trợ cho womenomics, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra con số thống kê, số lượng nữ giới tham gia thị trường lao động Nhật Bản gia tăng một triệu người trong vòng hai năm qua, lên 66% vào năm 2014, so với 63% của năm trước đó và đạt tỷ lệ cao nhất trong vòng 15 năm qua. Theo OECD, số lượng này được xem còn thấp so với nữ giới tham gia lao động tại Na Uy (75,9%), Thụy Sỹ (79%) nhưng cao hơn một số nước phát triển khác thuộc OECD như Hàn Quốc (57%), Italia (55,2%). Jeff Kleintop - Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư công ty môi giới chứng khoán Charles Schwab lý giải, các chính sách hỗ trợ của Thủ tướng Abe để lao động nữ giới Nhật gia tăng là tín hiệu lạc quan và tích cực đối với nền kinh tế xứ sở Phù Tang, nhất là trước sức ép sụt giảm nhân khẩu khi dân số Nhật giảm gần một triệu người trong giai đoạn 2010 - 2015, cùng tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Hiện chính phủ Nhật đã tăng độ tuổi nhận lương hưu lên 65 tuổi và động viên các nhân viên ở lại làm việc lâu hơn, đồng thời tích cực thuê những người đã nghỉ hưu.

Dù womenomics bước đầu mang lại thành công làm gia tăng lực lượng lao động nữ trong thị trường lao động Nhật. Thế nhưng phần lớn lực lượng này làm việc bán thời gian và phụ nữ nắm giữ các cương vị lãnh đạo tại nơi làm việc vẫn thấp hơn so với các nước phát triển khác. Phụ nữ Nhật có chân trong hội đồng quản trị ở các công ty lớn tại Nhật chỉ chiếm 3,1%, so với 19,2% tại Mỹ và 20,8% tại Canada. Tỷ lệ này là thách thức trong womenomics khi mục tiêu không chỉ tăng số lượng lao động nữ mà đến năm 2020, ít nhất 30% vị trí quản lý sẽ do phụ nữ nắm giữ và 54,5% phụ nữ chuyển từ các công việc bán thời gian sang toàn thời gian.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhật: Nỗ lực gia tăng lao động nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO