Nhất quán đường lối đối ngoại

KIẾN TÂN 01/08/2014 08:12

Trên cơ sở kế thừa Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 tiếp tục nhấn mạnh chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế để thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển đất nước. Ngay từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định, hội nhập là một nhu cầu tất yếu cần phấn đấu để đáp ứng yêu cầu của đường lối đối ngoại đổi mới, phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và Đảng đã từ thực tiễn để dần hoàn thiện đường lối đối ngoại đổi mới. Tuy nhiên, xuyên suốt trong tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại của Đảng là đối ngoại Việt Nam phải quán triệt nguyên tắc bao trùm vì độc lập, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội; phải hết sức sáng tạo và linh hoạt, phù hợp với điều kiện nước ta, đặc điểm tình hình thế giới, khu vực và từng đối tượng, đối tác quan hệ.

Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các diễn đàn quốc tế và khu vực.  TRONG ẢNH: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, ngày 11.5.2014 tại Myanmar. Ảnh: Internet
Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các diễn đàn quốc tế và khu vực. TRONG ẢNH: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, ngày 11.5.2014 tại Myanmar. Ảnh: Internet

Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng thế giới, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, đưa các mối quan hệ đã được thiết lập vào chiều sâu, bền vững. Nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam cũng dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng và đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình; bình đẳng và cùng có lợi.

“Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ...
...Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”.
(Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13)

Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã được triển khai một cách tích cực, chủ động và giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Thành tựu lớn nhất của hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới là đã tạo thế, tạo lực và tạo đà cho đất nước ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước trên thế giới, giải quyết tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác thân thiện với các nước láng giềng.

Nhờ có đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã có chính sách rõ ràng, ổn định, thu hút được vốn đầu tư ngày càng nhiều từ các nước có nền kinh tế và thương mại lớn, các trung tâm kinh tế phục vụ cho sự phát triển đất nước. Đối ngoại cũng góp phần thúc đẩy kim ngạch buôn bán song phương và đa phương ngày càng tăng trên các thị trường, khu vực trên thế giới. Thông qua hoạt động đối ngoại, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các diễn đàn quốc tế và khu vực, có tiếng nói ở Liên hiệp quốc. Với chính sách đối ngoại đúng đắn, rộng mở và đa dạng, Việt Nam đã giữ vững được sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến khó lường, phức tạp như hiện nay, quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng để góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, bảo vệ định hướng, an ninh trật tự và phát triển của đất nước là điều hết sức cần thiết, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

Hỏi: Đường lối đối ngoại của nước ta được quy định như thế nào?

Trả lời: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Hỏi:Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời: Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp và pháp luật.

Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam.

Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét cho cư trú.
                                                                  (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhất quán đường lối đối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO