Đây là nói những địa danh ở Việt Nam, gắn với các vùng tây xa xôi cách trở. Là nói phạm vi vùng như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, rồi đến cấp tỉnh là Tây Ninh, tây Nghệ An…
Đã có dịp đi qua những vùng ấy đôi lần (trừ tây Nghệ An chưa tới), trong tôi tự thức bật lên nhiều câu hỏi rồi tìm cách trả lời về những chuyện được và chưa được. Biết những vùng ấy là yết hầu nên trước hết gắn với chuyện bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên đất liền, luôn là thử thách, dễ nhạy cảm với nóng lạnh biên cương.
Như Tây Nguyên, từng được giới quân sự coi là “nóc nhà Đông Dương”, ai chiếm được là làm chủ cả khu vực. Và trải nghiệm lịch sử nữa, những vấn đề sắc tộc, mầm mống phân ly do chính sách chia để trị thời thực dân để lại, rồi chuyện di dân, đói nghèo lạc hậu… khiến phải canh cánh.
Giờ đây lên Tây Bắc, vẫn còn cung đường quanh co khúc khuỷu nhưng có nhiều thành phố, điểm đến du lịch, bản làng đồng bào Mông, Dao, Tày, Thái… ngày một khang trang hơn. Tây Nguyên, dừng ở Kon Tum cách đây chừng 20 năm sẽ thấy còn nhếch nhác bụi đỏ, nay thì thành phố bừng dậy hoa lá cây cỏ, lại có Măng Đen đánh thức giấc mơ du lịch đại ngàn; hay ngược lên Đắc Nông không thể ngờ Gia Nghĩa trở mình thành phố thị tươi đẹp, và có hồ Tà Đùng ngát xanh được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”.
Vào Tây Ninh, các cửa khẩu nhộn nhịp, không chỉ Mộc Bài mà Xa Mát, nơi lịch sử từng ghi dấu chân tội ác của bọn Pôn Pốt diệt chủng tràn qua, nay cũng đã trở thành khu kinh tế. Tây Nam Bộ, nhiều thành phố lớn lên; Cần Thơ mở rộng, cầu nối cầu qua sông Tiền, sông Hậu; đổ về miệt biển Tây Nam, Phú Quốc sáng như viên ngọc…
Rõ ràng, những yếu tố cơ bản ánh sáng văn minh như điện, đường, trường học, bệnh viện, nhà cửa đã được xây dựng vững chãi hơn. Gần đây, sản phẩm thương hiệu địa phương (OCOP) đâu cũng được chú trọng, mở hướng khởi nghiệp, cải thiện sinh kế.
Nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được công nghệ, học tập tiến bộ, nhiều người thành cán bộ nhà nước hoặc làm công nhân, làm thợ, mở tầm nhìn vượt dốc núi chênh vênh.
Thật khó kể hết những đổi thay, mừng, nhưng vẫn còn đôi điều trắc ẩn. Không gian sinh tồn với rừng dần thu hẹp. Không gian văn hóa bị thách thức pha tạp ngoại lai. Một bộ phận dân còn nghèo, như Tây Bắc không ít đàn bà phải cheo leo mang từng bụm đất bỏ lên hốc đá trồng ngô, có chỗ trẻ em còn thiếu “cơm có thịt”, tệ nạn rượu chè còn nhiều (đàn ông uống rượu, đàn bà đi rẫy).
Tây Nguyên bị khô hạn nhiều hơn, nhiều đất rẫy trở lại điệp khúc đời cây trồng - chặt bấp bênh; phân tầng giàu nghèo còn gay gắt. Tây Nam Bộ đối diện với những mùa nước nổi mà khô cá, khô phù sa, nhiễm mặn, nhiều cô gái còn đi tứ chiếng làm đủ nghề nuôi thân. Những khó khăn đó là trở lực, tiềm ẩn bất an.
Đi và nhặt những điều quan sát, so chiếu nhiều lần, thấy rằng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm lớn đến những vùng đó, với nhiều ưu đãi, làm thay đổi diện mạo đời sống theo hướng tích cực hơn.
Nhưng chắc chắn thực tiễn cuộc sống vẫn không tránh khỏi những vấn đề còn bất cập, hạn chế, gây nguy cơ bất an, đòi hỏi nhà nước, chính quyền sở tại phải tiếp tục nghiên cứu, xử lý.
Về phía người dân, cần tự nâng mình lên từ học tập, nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, được nhà nước hỗ trợ tìm sinh kế bền vững. Và cốt lõi là tinh thần quyết giữ yên bờ cõi Tổ quốc, bằng sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, chống mầm mống ly khai, chia rẽ, gây bạo loạn, làm bất an cho đất nước.
Phía trước là Biển Đông, sau lưng là phía tây, hãy đến đó, không phải đi qua như khách lãng du, mà cần ở lại, nhặt lại những điều để suy nghĩ tìm cách giữ bình yên cho biên cương.