Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

HẢI TRÌNH 05/02/2016 11:33

Với giới bình dân, cành mai ngày Tết mang nhiều ý nghĩa khác nhau – Có người đã thần thánh hóa loài hoa qua giai thoại dân gian đượm màu thần bí: “Thần Đồ thực quỷ, Uất Lũy thực ma”; Thần Đồ và Uất Lũy thường sống trên cành mai và họ thích ăn thịt ma quỷ, cho nên ngày Tết chưng mai trong nhà sẽ tránh được ma quỷ vào quấy nhiễu.

Dù quan niệm thế nào đi nữa thì hoa mai vẫn mang tính minh triết của một loài hoa vương giả. Từ thuở sơ khai, hoa mai đã không chịu cảnh đời tù túng; mà chỉ muốn an nhiên tự tại sau khi đã trút bỏ lớp áo già nua vào buổi tàn đông. Nhưng có lẽ điều mà hoa mai được tôn vinh hơn các loài hoa khác chính là vẻ thuần khiết, siêu nhiên của nó. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã diễn tả nét đặc trưng của loài hoa ấy như sau: “Hoa nở trong sương mù, trong nắng mới ban mai, trong gió rét mà hoa vẫn vàng như lụa”... Dáng hoa mảnh khảnh, sắc hoa mượt mà nên thường được văn nhân, thi sĩ nhắc đến để minh họa dáng vẻ diễm kiều của cô gái thuộc hàng trâm anh thục nữ: Mai cốt cách, tuyết tinh thần (Nguyễn Du) -  Công tằng tôn nữ trong cung – Con út chưa chồng, mình hạc, xương mai (Ca dao Huế).

Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Cũng chính vì vẻ đẹp thùy mị của hoa mai mà ngày xưa các bậc đế vương thường hay đặt tên con gái cưng của mình bằng tên loài hoa đài các đó (1). Nhân đây, xin kể lại thiên huyền sử về mối tình kỳ lạ giữa Hồ Quý Ly và công chúa Nhất Chi Mai con vua Trần: Thuở hàn vi, nhân một lần ghé thuyền vào hoang đảo trong một chuyến đi buôn với cha nuôi. Hồ Quý Ly đã phát hiện ai đó đã viết một câu thơ trên bãi cát: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (Trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Và ông đã thuộc lòng câu thơ đó. Đến lúc làm quan, nhân lúc đàm đạo với vua Trần trước điện Thanh thử, nhà vua ra câu đối: “Thanh thử điện tiền thiên thụ quế” (Trước điện Thanh thử có ngàn gốc quế). Không cần suy nghĩ, Hồ Quý Ly đọc lại câu thơ năm xưa mình đã gặp. Mọi người đều phục tài thi phú của ông. Nhà vua lấy làm lạ, làm thế nào mà Hồ Quý Ly biết trong cung Quảng Hàn nghiêm mật lại có công chúa tên Nhất Chi Mai. Hồ Quý Ly cứ thực tâu lên việc trước. Vua cho đó là chuyện lạ, là duyên tiền định nên đã gả công chúa Nhất Chi Mai cho Hồ Quý Ly. Về sau, nàng sinh hạ được hai người con trai thông minh, tài ba đó là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương.

Chu thần Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn. Ông làm quân sư cho Lê Duy Cự lãnh đạo nông dân đồng bằng Bắc Bộ chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Chính ông đã tự tay mình ghi hai câu thơ lên lá cờ thủ lĩnh nghĩa quân: “Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn - Mục Dạ, Minh Điền hữu Võ, Thang”. Dũng mãnh, dứt khoát như một tuyên ngôn. Một con người khí phách ngang tàng như thế mà khi đứng trước vẻ quyến rũ của hoa mai, ông không ngần ngại hạ bút viết mấy vần thơ bất hủ:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

(Mười năm giao du cố tìm một thanh gươm quý

Một đời cúi đầu bái phục vẻ đẹp của hoa mai).

Trích tiên Lý Bạch trong lúc bị biếm đày, ngang qua lầu Hoàng Hạc bỗng nghe đâu đây véo von tiếng địch - Chạnh lòng thương nhớ cố hương. Tâm hồn ông trở nên cô đơn giá lạnh, mặc dầu giờ đây trời đang vào tiết tháng năm nồng nực mà ông cứ ngỡ như mình đang ở vào những ngày đầu xuân heo may rét mướt, hoa mai rơi rụng đầy sân:

Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch

Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa.

(Vi vút lầu hoang nghe tiếng địch

Trời hè mai rụng rớt đầy hoa - Nguyễn Hữu Vinh dịch).

Đứng chơ vơ giữa núi ngàn vách đá, thi gan cùng lửa hạ, tuyết đông. Từ buổi sơ khai loài mai đã hun đúc “khí hạo nhiên” chẳng kém gì loài tùng, bách - Đó chính là phong cách riêng tư của loài “hạc biển”. Nguyễn Trung Ngạn, một nhà thơ, một nhà chính trị lỗi lạc thời Trần (1289-1370) đã gói gọn tư chất cao quý của loài hoa mang danh Ngự sử bằng hai câu thơ tuyệt tác:

Dã mai cốt cách nguyên: phi tục

Hải hạc phong tư, tự: bất quần. (2)

Với đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với nhu cầu thời thượng; nhiều người chơi hoa kiểng ngày nay đã làm mất đi dáng vẻ tự nhiên từ thuở sơ khai của loài hoa mang tên hải hạc. Dù cho con người có tham vọng đến mức độ nào đi nữa, thì hoa mai vẫn một lòng son sắt với chúa xuân. Đến hẹn, hoa lại hào phóng khoe sắc trong ánh nắng hanh vàng vào những ngày đầu năm với bao điều ước mơ tốt đẹp.

HẢI TRÌNH

(1) Như Mai, tên công chúa đầu lòng của vua Hàm Nghi (mẹ là người Pháp).
- Phương Mai, tên công chúa con thứ của cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.
(2)  Cốt cách của mai rừng vốn không thô tục.Phong tư của loài hạc biển tự nó không thích họp bầy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO