Sau hơn một năm huyện Đại Lộc hoàn thành nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, đã có những chuyển biến tích cực từ cơ sở, song cũng xuất hiện không ít hạn chế, vướng mắc.
Bầu chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố 4, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc. Ảnh: C.TÚ |
Hoàn thành nhất thể hóa
Hiện thực hóa Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16.4.2013 của Tỉnh ủy, trong đó có nhiệm vụ nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, nhiệm kỳ 2015 - 2017 huyện Đại Lộc có 61/160 thôn, khu phố thực hiện. “Đây là kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng, giúp cho huyện rút ra bài học kinh nghiệm nhất định. Từ đây, Ban Thường vụ Huyện ủy và Đảng ủy các xã, thị trấn có cơ sở thực tiễn để đánh giá, phân tích tình hình một cách đầy đủ, toàn diện để đề ra giải pháp phù hợp cho nhiệm kỳ 2017 - 2019” - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Nguyễn Công Thanh chia sẻ. Với phương châm “Dân tin, Đảng cử”, ngày 21.5.2017, cử tri là đại diện hộ gia đình 160 thôn, khu phố trên địa bàn Đại Lộc đã đi bầu cử trưởng, phó thôn, khu phố. Kết quả có 160 đảng viên trúng cử chức vụ trưởng thôn, khu phố nhiệm kỳ 2017 - 2019 (đạt 100%). Đại hội chi bộ diễn ra sau đó vào tháng 6.2017, Đại Lộc có 160/160 trưởng thôn, khu phố được bầu giữ chức danh bí thư chi bộ.
Qua hơn một năm thực hiện, mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố tại Đại Lộc đã cho thấy hiệu quả nhất định, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Bí thư chi bộ vừa là người tiếp thu chủ trương của cấp trên, vừa là người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc nên nhanh hơn, thuận lợi hơn. Điều này tạo sự nhất quán trong hoạt động, giảm bớt một khâu chỉ đạo trung gian và một số cuộc họp không cần thiết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; việc báo cáo, phản ánh tình hình lên cấp trên cũng rút ngắn thời gian. Mô hình này góp phần đáng kể cho nhiệm vụ phát triển các mặt ở cơ sở, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
Phát sinh vướng mắc
Hiệu quả của mô hình đã rõ, nhưng những vướng mắc phát sinh trong một năm thực hiện cũng dần xuất hiện. Qua kết quả khảo sát đánh giá từ cơ sở của Huyện ủy Đại Lộc cho thấy, khi đảm nhiệm cả “hai vai” dẫn đến tình trạng không phân biệt rõ khi nào và ở đâu là trách nhiệm của bí thư chi bộ, còn đâu là trách nhiệm của trưởng thôn, khu phố, dễ tạo ra sự nhập nhằng, lúng túng. Do vừa là người lãnh đạo chi bộ đề ra chủ trương, vừa là người tổ chức thực hiện chủ trương dễ dẫn đến sự lạm quyền, độc đoán. Nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ và của cấp trên hoặc không nêu cao vai trò của mặt trận và các đoàn thể nhân dân thì cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở thôn, khu phố khó mà thực thi nghiêm túc. Còn về bản thân người kiêm nhiệm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu Giáo Đông (thị trấn Ái Nghĩa) - ông Lê Tấn Hóa chia sẻ, đảm nhận cả “hai vai” nên áp lực công việc rất lớn, trong khi đó trình độ năng lực của cấp ủy, ban dân chính còn hạn chế. Việc đào tạo nguồn cán bộ kế cận tại khu dân cư gặp khó khăn, do đảng viên trẻ có trình độ hầu hết đi làm ăn xa.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bình Tây (xã Đại Thắng) - ông Lê Văn Ba bày tỏ, khi kiêm nhiệm, khối lượng công việc dồn cho người đứng đầu thôn, khu phố quá nhiều, vậy nhưng chế độ thù lao lại quá thấp, điều này cũng tạo tâm lý khiến người làm nhiệm vụ không an tâm công tác. Nhiều bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố tại Đại Lộc đều mong muốn có cơ chế, chính sách tốt hơn đối với những người làm công tác ở cơ sở nói chung, trường hợp kiêm nhiệm nói riêng. Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Lộc - Võ Đình Quý Thanh nói, phần lớn quỹ thời gian họ phải tập trung cho công tác xã hội, trong khi mức phụ cấp hàng tháng thấp (0,85 mức lương cơ sở cộng 50% phụ cấp kiêm nhiệm). Nhận thấy điều này, Phòng Nội vụ đã tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho hưởng đủ 2 suất sinh hoạt phí của bí thư chi bộ và trưởng thôn theo quy định tại Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND, ngày 29.5.2012 của UBND tỉnh, hoặc quy định hệ số phụ cấp cao hơn mức hưởng hiện tại. Tuy nhiên, UBND tỉnh trả lời do vướng Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ nên tỉnh phải chờ Trung ương ra văn bản sửa đổi để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chung, ông Nguyễn Công Thanh cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huyện quan tâm hơn hoạt động của thôn, khu phố; tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nhất là các quy định, hướng dẫn. Cạnh đó, đảng ủy các xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong đội ngũ cán bộ thôn, khu phố; quan tâm công tác tạo nguồn, nhất là đối với lớp trẻ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn để đội ngũ này phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Huyện sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh nâng mức phụ cấp, tạo điều kiện để bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố hoàn thành nhiệm vụ được giao.
CÔNG TÚ