Có những vần thơ tạo được đời sống riêng, ít nhất là qua những trang văn, mà nếu chịu khó “góp nhặt” sẽ nhận ra sự hấp dẫn lẫn bí ẩn của thơ…
“Nghe láo” thơ ma
Nhà văn Vũ Bằng mở đầu hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” bằng 4 câu thơ để phi lộ cho chuyện tếu, chuyện láo trong nghề: “Nói láo mà chơi, nghe láo chơi/ Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi/ Chuyện đời đã chán không buồn nhắc/ Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời”.
Rồi Vũ Bằng bình phẩm: “Bồ Tùng Linh, tác giả “Liêu trai chí dị”, mở đầu tập truyện bất hủ bằng bốn câu thơ trên, đã cho người ta hé thấy ông lấy làm vinh dự làm nghề nói láo, không coi thiên hạ ra gì.
Ờ, nói láo đấy, nghe láo đấy, thử hỏi đã chết ai chưa? Họ Bồ hơn thiên hạ về chỗ đó: dám nhận huỵch toẹt ngay là mình nói láo, mình ưa nói láo, nói láo nói lếu như thế còn hơn là nói chuyện đời: xấu quá” (“Bốn mươi năm nói láo” - NXB Hội Nhà văn 2014).
Kỳ thực, nhà văn Vũ Bằng trích dẫn chưa thật chính xác. Vì theo các kết quả khảo cứu khác, 4 câu thơ vừa trích không phải của Bồ Tùng Linh (tác gia sống vào thời Minh - Thanh bên Trung Quốc), cũng không phải do họ Bồ “mở đầu tập truyện bất hủ bằng bốn câu thơ trên”. Đúng ra, đó chính là bài thơ “Liêu trai đề từ” của Vương Ngư Dương, tên thật là Vương Sĩ Trinh, sinh năm 1634 (lớn hơn Bồ Tùng Linh 6 tuổi), đỗ tiến sĩ, làm đến chức Thượng thư.
Họ Vương đọc truyện quái lạ của họ Bồ rồi sáng tác bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Liêu trai đề từ”. Bài thơ này thường được in kèm với bộ sách dịch “Liêu trai chí dị”, nguyên văn: “Cô vọng ngôn chi cô thính chi/ Đậu bằng qua giá vũ như ti/ Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ/ Ái thính thu phần quỷ xướng thi”. (Dịch nghĩa: Nói lời lảm nhảm (mà vui), nghe lời lảm nhảm (mà vui)/ Mưa (đêm) dệt như màn mưa tơ trên giàn đậu giá dưa/ Giọng đời đã chán ngấy không muốn nhắc tới nữa/ Chỉ thích nghe quỷ dưới mộ mùa thu ngâm thơ).
Bốn câu thơ diễn Nôm mà nhà văn Vũ Bằng đã dẫn ở trên là bản dịch “Liêu trai đề từ” của cụ Tản Đà. Trong lời bình của cụ Tản Đà khi in “Liêu trai chí dị” ở Việt Nam, cũng không thấy cụ nhắc gì về những câu thơ “nói láo nghe láo”, mà chỉ so sánh giữa văn xuôi Bồ Tùng Linh với văn vần Nguyễn Du, hay bàn chuyện có không - không có. Như nói về nàng Hằng Nga ở cung Quảng Hàm, “liệu khó có thể có, mà tự mình không muốn bảo là không”.
Như chuyện đôi tình nhân Ngưu lang - Chức nữ cách biệt bên sông Ngân hà, “có lẽ cũng là không, mà thế gian vẫn cứ nói là có, cứ chi là có là không; không hay có, ở tự lòng vậy” (trích lời bình của Tản Đà, “Liêu trai chí dị”, NXB Văn hóa - Thông tin 2010).
Dù sao, với việc trích dẫn bài “Liêu trai đề từ”, nhà văn Vũ Bằng đã tạo ra một sự kết nối thú vị giữa truyện ma - thơ ma và nghề báo, như ông đã diễn tả trong hơn 400 trang hồi ký.
Đọc thơ được vợ
Nhắc đến thơ tứ tuyệt, thì “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế vốn dĩ quá quen thuộc với những ai yêu thích và ngâm ngợi Đường thi: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.
(Dịch nghĩa: Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời/ Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ buồn/ Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San/ Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách).
Trong cuốn “Thơ Đường” của Trần Trọng San (Tủ sách Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh - 1990), dịch giả có kể thêm một câu chuyện lạ. Một đêm kia, hai thầy trò nhà sư ở chùa Hàn San làm một bài thơ tứ tuyệt với 2 câu đầu của vị tăng, 2 câu cuối của chú tiểu: “Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung/ Bán tự ngân câu bán tự cung/ Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn/ Bán trầm thủy để bán phù không”.
Bài này được dịch giả Trần Trọng San chuyển thể sang thơ lục bát: “Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ/ Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời/ Một bình ngọc trắng chia hai/ Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không”.
Thế rồi, để cảm tạ Phật tổ về sự hoàn thành bài thơ tứ tuyệt ấy, vị tăng đánh lên một tiếng chuông. Nào ngờ, tiếng chuông vẳng đến bến sông gần đó khiến cho thi sĩ Trương Kế làm nên câu cuối tuyệt diệu trong bài “Phong Kiều dạ bạc”. Nhưng càng bất ngờ, cũng trong đêm thanh vắng hơn một nghìn năm sau, có lữ khách Quảng Đông (Trung Quốc) khi di cư sang Việt Nam đã nhờ bài “Phong Kiều dạ bạc” này mà nên duyên với cô gái Việt.
Sau khi gọi đò sang sông, lữ khách lỡ đường đành xin nghỉ lại nhà cô lái đò trẻ. Vì ngỡ cả nhà đã ngủ say, ông điềm nhiên vắt chân chữ ngũ khe khẽ ngâm bài thơ cổ: “Uỵt loọc, vú thây sướng mủn thín/ Coóng phống, dì phổ, tui sàu mìn/ Cú chấu sèng ngồi Hồn Sán sì/ Dề pun, chống séng tàu hac sin”.
Nhưng ông đâu biết, ở gian buồng bên cạnh, cô lái đò trẻ vẫn còn thức. “Ngay lúc ấy, từ gian buồng bên nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách, thấy đứt mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối: -Ấy dà! Cẩm tố xỉ a! (Chà! Lắm chuột thế!). Nhưng đó không phải là tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười qua làn môi kín đáo khép lại” (Chân trời cũ, Hồ Dzếnh).
Với đoạn trích dẫn từ tập truyện mang tính tự truyện như “Chân trời cũ”, độc giả đã nhận ra cô lái đò trên sông Ghép (Thanh Hóa) kia chính là mẹ của nhà văn Hồ Dzếnh sau này. Đọc tiểu sử của nhà văn Hồ Dzếnh, thấy ghi rõ chi tiết người cha di cư từ Quảng Đông sang Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 19, gặp bà Đặng Thị Vân, một cô gái chở đò ngang trên sông Ghép, rồi hai người thành gia thất. Họ sinh sống bằng buôn bán, đổi chác hàng hóa ở các chợ bến sông trên một con đò dọc, sau định cư ở làng Đông Bích (Thanh Hóa)… Hồ Dzếnh ra đời tại đây vào năm 1916.
*
* *
Đoạn vừa trích dẫn của Hồ Dzếnh nằm trong mạch kể của người mẹ, khi đứa con (ngôi thứ nhất trong truyện) cứ tò mò cầu khẩn người mẹ kể lại chuyện cưới xin ngày xưa. Tiểu sử chỉ liệt kê ngắn gọn, đoạn trích cũng khép lại bằng tiếng cười “qua làn môi kín đáo khép lại”, nhưng cũng đủ để độc giả hình dung cô gái trẻ đã phải lòng. Riêng tôi, đến giờ vẫn chưa thôi thắc mắc vì sao cô gái nghe bài Đường thi ấy lại bật cười. Phải chăng là do lối phát âm ngồ ngộ của lữ khách với những chữ như “vú thây”, “sướng mủn thín”, “cú chấu”, “sèng ngồi”?
Quả là thơ đang có một đời sống khác, ở bên ngoài thơ.