"Nhảy" theo con tôm - Bài cuối: Ngắn hạn hay dài hạn?

HỮU PHÚC - QUANG VIỆT 09/12/2013 08:56

Chế tài nào để các địa phương xử lý tình trạng phát sinh ao nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép tràn lan; quy hoạch vùng nuôi tôm ngắn hạn hay dài hạn… là những câu hỏi đặt ra để giải quyết các “điểm nóng” về nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát trái phép hiện nay.

  • "Nhảy" theo con tôm - Bài 1: Mạnh ai nấy đào
  • "Nhảy" theo con tôm - Bài 2: Địa phương lúng túng
Ở xã Bình Hải (Thăng Bình), người dân lén lút phá rừng dương đào ao thả nuôi tôm sát biển.
Ở xã Bình Hải (Thăng Bình), người dân lén lút phá rừng dương đào ao thả nuôi tôm sát biển.

Biện pháp cứng rắn

Đi dọc ven biển từ Thăng Bình về Núi Thành, chúng tôi thực sự sửng sốt trước sự biến mất của nhiều rừng dương, thay vào đó là những cánh đồng tôm nham nhở. Hệ lụy nhãn tiền là sóng biển, gió bão sẽ “xát” khốc liệt hơn vào đất liền. Ao nuôi mở tràn lan, dịch bệnh lây lan trên đàn tôm khó kiểm soát, khống chế. Chính người nuôi chứ không ai khác phải gánh chịu hậu quả. Theo Sở NN&PTNT, nhiệm vụ cấp bách bây giờ là cấm đào mới ao nuôi tại vùng cát ven biển. Riêng phía đông đường Thanh niên ven biển, tuyệt đối không phá rừng, nuôi tôm sát nhà, đất vườn. Đối với các vùng đang nuôi, các ngành hữu quan và chính quyền huyện, xã cần đánh giá hiện trạng, cho nuôi tạm thời những vùng không thuộc phía đông đường thanh niên. Ông Võ Văn Năm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị, những ao nuôi sát nhà, xả thải làm ô nhiễm nguồn nước ngầm của những hộ sống chung quanh thì kiên quyết tháo bỏ, trả lại hiện trạng ban đầu. Đối với các ao được phép nuôi tạm thời, bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường.

Sẽ tạm ngừng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm trái phép

Nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi chặt phá cây phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm. Địa phương nào không kiên quyết xử lý ngăn chặn để phát sinh diện tích ao nuôi mới thì chủ tịch UBND cấp huyện, xã nơi đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh, Sở GTVT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc cấp phép, xử lý tịch thu các loại xe ủi, xe múc đang hoạt động hoặc di chuyển vào địa bàn các xã làm ao nuôi tôm.

Yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Nam tạm ngừng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm trái phép dọc đường Thanh niên ven biển thuộc các xã Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình), các xã Tam Tiến, Tam Hòa và Tam Hải (Núi Thành). Kể từ ngày 1.1.2014, Công ty Điện lực Quảng Nam chỉ thực hiện cung cấp điện cho các hộ có phương án kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường đối với các ao nuôi lót bạt đã được Sở NN&PTNT thẩm định…

(Trích nội dung trong công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển)

Về việc xử lý những ao đang nuôi trái phép, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, có thể “nới lỏng” cho đến khi thu hoạch xong. Sau khi các hộ thu hoạch, chính quyền phải trực tiếp đến làm việc, buộc họ cam kết đảm bảo nuôi không tác hại đến môi trường xung quanh hoặc buộc họ chấm dứt ngay sản xuất. Nếu người nuôi không thực hiện đúng cam kết sẽ tổ chức cưỡng chế. Còn các trường hợp đang đào ao nhưng chưa thả nuôi thì bất luận thế nào cũng buộc dừng lại. Chính quyền cơ sở phải trực tiếp đến kiểm tra và giám sát chặt chẽ tình trạng này. Chủ trương của chính quyền tỉnh là đồng ý cho tiếp tục gia hạn thời gian nuôi tôm trên cát ở những diện tích đã có nhưng phải cam kết thực hiện đầy đủ những quy định về môi trường. Nguồn nước thải các ao nuôi phải được xử lý bảo đảm đủ tiêu chuẩn trước khi xả. Các địa phương phải quản lý tốt hiện trạng, tuyệt đối không để tự phát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp hay đất vườn sang đất nuôi tôm.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hùng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), để xử lý “điểm nóng” hiện nay, cần giao lực lượng công an, quân sự địa phương tuần tra vào ban đêm; đình chỉ, tịch thu ngay phương tiện máy móc vi phạm. Chính quyền phải tổ chức công khai họp dân, in bản cam kết và lập tức khoanh “vùng cấm” ở một số khu vực đất cát ven biển. “Công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương của tỉnh khẩn trương triển khai. Các chi bộ cơ sở phải có nghị quyết về giải quyết thực trạng con tôm. Sau khi rà soát, xử lý ao nuôi phải san ủi, trả lại hiện trạng” – Thượng tá Hùng nói.

Quy hoạch tạm thời

Hiện các địa phương Thăng Bình, Núi Thành đang tổ chức họp các hộ dân, cơ sở nuôi tôm trên cát để ký cam kết bảo vệ môi trường; yêu cầu các ao nuôi tập trung chất thải vào ao chứa bằng hệ thống ống kín để xử lý trước khi thải ra môi trường; tuyệt đối không thải trực tiếp ra biển, ra sông Trường Giang. Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình khẳng định, nghề nuôi tôm trên cát của địa phương đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng vì diện tích nhỏ, chưa có quy hoạch chiến lược nên phát triển tự phát, lẻ tẻ. Do vậy, muốn con tôm vươn ra thị trường lớn thì phải có quy hoạch và quản lý bài bản chứ không thể phát triển thiếu định hướng như hiện nay.

Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tam Tiến (Núi Thành) còn lấn sang vùng triều sông Trường Giang.Ảnh: H. PHÚC
Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tam Tiến (Núi Thành) còn lấn sang vùng triều sông Trường Giang.Ảnh: H. PHÚC

Về giải pháp, ông Võ Văn Năm đề xuất, tỉnh nên cho chủ trương quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát dọc phía tây đường Thanh niên ven biển qua các huyện từ Duy Xuyên đến Núi Thành trong lúc chưa có dự án đầu tư đến năm 2020, hoặc quy hoạch tạm thời. Thêm vào đó, các địa phương sớm khôi phục rừng phòng hộ ven biển, có chính sách hỗ trợ với người dân bản địa đang sở hữu các loại cây trồng chắn gió. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, không nên đặt vấn đề quy hoạch nuôi tôm lâu dài vì sẽ ảnh hưởng, chồng lấn lên các dự án khác, khâu đầu ra sản phẩm không ai quản lý được. Thực tế, các thương lái Trung Quốc mua tôm với giá cao vừa qua bằng đường tiểu ngạch không thông qua khâu kiểm định chất lượng, do đó không đảm bảo giá tôm sẽ ổn định trên thị trường. Người nuôi tôm thẻ chân trắng phải hết sức thận trọng đầu tư, bởi chưa có đối tác tin cậy về bao tiêu sản phẩm lâu dài. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cảnh báo: “Việc đẩy giá tôm nguyên liệu lên chóng mặt của thương lái Trung Quốc mà không cân nhắc dư lượng kháng sinh và nhiều nguy cơ khác ảnh hướng xấu đến chất lượng con tôm đã cho thấy sự bất ổn của thị trường tôm nguyên liệu. Bây giờ thương lái mua giá cao, chắc gì sang năm hay thời gian sắp đến vẫn giữ giá. Việc đầu tư ồ ạt của người nuôi mà không cân nhắc đến an toàn đầu ra của tôm nuôi cho thấy sự phiêu lưu. Vấn đề cần kíp là các ngành cần cập nhật thông tin về thị trường để có thể cung cấp đến người nuôi trên địa bàn tỉnh”.

Như vậy, việc cân nhắc lợi ích hài hòa giữa phát triển con tôm với bảo vệ môi trường ven biển bền vững rất cần được nghiên cứu, phân tích cẩn trọng và dĩ nhiên có sự can thiệp kịp thời, đúng hướng của cơ quan quản lý nhà nước.

HỮU PHÚC - QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nhảy" theo con tôm - Bài cuối: Ngắn hạn hay dài hạn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO