Nhếch nhác quán ăn lề đường

TƯỜNG QUÂN 27/06/2014 09:09

Sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có mặt tại một quán bán bún mỳ trên quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Hà Lam (Thăng Bình), chúng tôi không dám ăn khi nhìn thấy cách bày bán. Toàn bộ thức ăn như: bún, thịt được đặt trên những chiếc thau lớn. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đều được người chủ thực hiện bằng tay trần, không đeo găng tay. Do khách đông, để kịp phục vụ, chiếc khăn dùng để lau bát đũa được người chủ tiện tay lau luôn mặt bàn. Hàng chục chiếc bát đũa sau khi khách sử dụng xong được rửa qua nước xà phòng rồi tráng lại sơ sài bằng một xô nước nhỏ; dưới chân bàn ghế, giấy lau vứt bừa bãi. Theo quy định, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm định kỳ, thực phẩm chế biến phải có hóa đơn chứng thực nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, khi được hỏi về các quy định này, người chủ quán không hề biết. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng tỏ ra khá dễ dãi. Chị Lê Thi Yến (xã Bình Trị) cho biết: “Mình đi làm cả ngày nên ăn trưa hay ăn tối thường chọn ăn ở các hàng quán đường phố. Dù biết là hơi mất vệ sinh, chưa thể đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vì giá rẻ và tiện lợi nên hay ăn ở đây”.

Một quán ăn vặt trên đường Nguyễn Duy Hiệu – TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.Q
Một quán ăn vặt trên đường Nguyễn Duy Hiệu – TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.Q

Trên các tuyến phố nội thành Tam Kỳ cũng có nhiều hàng quán ăn vặt với các loại như bánh tráng kẹp, cá viên chiên… Và hầu hết hàng quán này buôn bán trên các vỉa hè, không có cơ sở cố định. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng trở nên phức tạp. Thế nhưng hàng quán lúc nào cũng đông khách. Bà Trần Linh Vũ - chuyên viên quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm Phòng Y tế TP.Tam Kỳ cho biết: “Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố là do trạm y tế các xã, phường quản lý. Khi nào phát hiện những sai phạm trình lên phòng y tế, khi đó chúng tôi mới có trách nhiệm xử lý. Hơn nữa, các hàng quán đường phố hiện nay rất nhiều, lại kinh doanh nhỏ lẻ, điểm bán lưu động nên việc xử phạt gặp nhiều khó khăn”.

Cũng theo bà Vũ, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các hàng quán đường phố rất khó kiểm tra, xử lý. Vì thế, ngoài việc tuyên truyền những kiến thức, phương pháp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến cho các hộ kinh doanh, công tác tuyên truyền giáo dục ý thức vệ sinh cho người tiêu dùng cũng hết sức cần thiết.

TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhếch nhác quán ăn lề đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO