Nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro: "Tôi tò mò về chỉ số hạnh phúc của Việt Nam"

PHAN NGUYÊN (thực hiện) 01/04/2013 13:44

(QNO) - Triển lãm ảnh về Huế mang tên Thành phố nước - Mizumachi của nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro (Nhật Bản) đang diễn ra tại New Space Ats Foundation (15 Lê Lợi, Huế) gây được sự chú ý bởi tính mới mẻ và tinh thần nhân văn. Ngày 28.3, Hasegawa Taro sẽ vào Hội An để tìm kiếm cảm hứng cho bộ ảnh mới mà ông hi vọng sẽ rung động không kém.

Một tác phẩm của Hasegawa Taro.
Một tác phẩm của Hasegawa Taro.

Với 22 bức ảnh về thành phố nước và 18 bức ảnh về gia đình ở Huế. Hasegawa Taro muốn truyền tải “bầu không khí tràn đầy sức sống” của người dân nơi đây. Hai tháng là thời gian để ông nghiêm túc suy ngẫm về sự sống và cái chết, để day dứt một câu hỏi: “Những người còn sống ở nơi đây, những người đã đi vào cõi hư vô, thế giới này (shigan) hay thế giới bên kia (higan), rốt cuộc là cái gì?”

Cầu nối hai thế giới

Đến một thành phố lạ, những khó khăn mà ông gặp phải khi thực hiện bộ ảnh Thành phố nước?

Nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro.
Nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro.

- Chính là rào cản về ngôn ngữ. Tôi không biết tiếng Việt nên đối thoại, tương tác với  người dân qua ngôn ngữ cơ thể; qua các tấm biển tiếng Việt mà tôi đã chuẩn bị trước. Thế nhưng trong cái khó, điều làm cho tôi hạnh phúc nhất là lúc nào họ cũng cười rất tươi trước ống kính của tôi. Chỉ cần như vậy thôi là từng phút từng giây tôi được đi sâu vào đời sống của người Huế.

Một kỷ niệm vui là tôi rất sợ những con chó, vì tôi chụp từ 19h đến 24 giờ mỗi đêm và sáng sớm. Nó cứ nghĩ tôi là người xấu nên sủa liên hồi “gâu gâu gâu…”, mặc kệ những lời dọa nạt của chủ. Một con thì tôi không sợ, nhưng cả đàn thì nhiều lúc cũng nguy hiểm thật, nhưng dù sao đó cũng là một kỷ niêm rất vui.

Trong triển lãm đang diễn ra, các bức ảnh được bố trí theo một dụng ý nào đó, rất đặc biệt, ông có thể chia sẻ với mọi người được không?

- Khi bày trí triển lãm, tôi lấy ý tưởng từ thế giới này (shigan) và thế giới bên kia (higan). Không gian của phòng tranh được chia thành bốn ngăn, nên nhìn từ ngoài vào trong thì phía sau dành cho những bức ảnh mang chủ đề dòng sông. Bên phải là thế giới hiện thực rõ ràng, bên trái là thế giới cực lạc. Gia đình chính là sợi dây liên kết giữa hai thế giới, nên tôi trưng bày chính diện.

Vậy điều gì thôi thúc ông “hãy suy nghĩ về cái chết” khi cảm nhận “hương vị cuộc sống mạnh mẽ” tỏa ra từ Huế, thông qua nhiếp ảnh?

- Trước khi đến Huế 4 ngày thì bà của tôi mất. Tôi rất buồn, cho dù lúc đó bà đã 103 tuổi rồi. Nhưng tôi thật sự lo lắng khi nhận tin thầy giáo dạy đại học cũng bị bệnh rất nặng, rồi hung tin thầy mất, trong thoáng chốc, tôi muốn từ bỏ dự án để trở về nước.

Hasegawa Taro có một quan niệm khá tâm linh và dị biệt: “Huế là thành phố cổ nhưng tràn ngập “hương vị cuộc sống”. Tôi thực sự rung động trước vẻ mới mẻ và đầy sức sống ở nơi đây. Tôi tự hỏi rằng, những người còn đang sống đây, những người đã đi vào cõi hư vô, thế giới này (shigan) hay thế giới bên kia (higan) rốt cuộc là cái gì? Hương vị cuộc sống mạnh mẽ tỏa ra từ mảnh đất này thúc giục tôi ngẫm về “Memento mori” - một thành ngữ Latin - “Hãy nhớ ngươi sẽ chết”. Tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam và Nhật Bản chính là giáo phái Phật giáo đại thừa. Mục tiêu cuối cùng của Phật giáo chính là sự giải thoát, chính là sự di chuyển từ thế giới này sang thế giới bên kia. Tôi - một đứa con Osaka - đứng trong thế giới đang sống này, vừa hướng về thế giới bên kia và nghiêm túc suy ngẫm về cái chết, về miền cực lạc. Thông qua những bức ảnh này, tôi mong muốn cảm nhận sâu hơn về Việt Nam đương đại”.

Huế đã cho tôi cơ hội để phát lộ tất cả những chất chứa trong lòng. Khi bắt gặp cuộc sống bình dị nơi đây với những âm thanh rất “tự nhiên”, đôi lúc có thể nói là hơi mất trật tự một chút, nhưng đó mới chính là cuộc sống. Ở Osaka, tất cả mọi thứ đều quy tắc, rập khuôn và lặp đi lặp lại. Đôi khi cuộc sống bị lãng quên. Sự sống không rõ ràng thì cái chết cũng không rõ ràng, người sống trong xã hội đó vô tâm với cái quan niệm gọi là sinh tử. Hơn nữa, thông qua cuộc sống nơi đây và triển lãm lần này giúp tôi hồi tưởng về bà, về thầy giáo của tôi. Họ sẽ đến những nơi hạnh phúc nhất.

Trẻ em làm nảy lộc cuộc sống

Tất cả những bức ảnh về gia đình mà ông chụp đều có hình ảnh của trẻ con, đó là sự tình cờ hay có chủ đích sắp đặt?

- Mỗi gia đình mà tôi đến chụp, thật trùng hợp, luôn có trẻ con ở đó. Khi ở Nhật xem bảng xếp hạng hạnh phúc, tôi nhìn thấy Việt Nam đứng thứ 2. Thật sự tôi rất tò mò và có một chút nghi ngờ. Ở đất nước mà cuộc sống chưa thật đầy đủ về vật chất nhưng con người thì lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện, hạnh phúc. Tôi muốn tìm hiểu xem điều gì làm cho họ hạnh phúc như vậy.

Sau 2 tháng ở Việt Nam, ông đã tìm ra câu trả lời chưa?

- Qua cảm nhận của tôi, trẻ con chính là niềm hạnh phúc. Ngôi nhà có tiếng cười của trẻ con thì rất vui và người ta sẽ muốn sinh sống trong đó. Khi mà ở Nhật trẻ con rất ít, không có “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” như ở Việt Nam. Tôi cảm nhận được qua ánh sáng gia đình, qua ánh mắt trẻ em một sự sống đang nảy lộc.

Tại sao ông chụp Huế cũng giống nhiều người chụp Hội An, nghĩa là luôn bắt đầu điểm nhìn từ góc độ sông nước?

- Thật sự tôi chưa đến Hội An, nên nếu có người nhận xét như vậy thì rất cảm ơn. Tôi nghĩ Hội An cũng rất đẹp, nên khi chụp được những bức ảnh giống nơi ấy và được khen ngợi, nghĩa là ảnh của tôi cũng đẹp. Tôi đang háo hức với Hội An và đang mơ tưởng một bộ ảnh về thành phố xinh đẹp này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

PHAN NGUYÊN (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro: "Tôi tò mò về chỉ số hạnh phúc của Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO