Tác phẩm, tác giả

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền: Dòng sông Mê Kông luôn trong trái tim tôi

TUỆ LAM 26/06/2024 17:30

(Đặc san 21/6) - Nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt - Lâm Đức Hiền nổi tiếng với những phóng sự ảnh trong các vùng chiến sự nóng khốc liệt như Romania, Nga, Chechnya, Nam Suzan, Bosnia, Iraq… Nhưng sâu trong trái tim mình, dòng sông mẹ Mê Kông luôn là điểm đến mỗi khi anh trở về.

mekong-river-is-very-special-to-me-photographer-lam-duc-hien_2.jpg

Những bộ ảnh ký sự của Lâm Đức Hiền với sông Mê Kông trong 20 năm cũng là bằng chứng chân thực ghi lại sự ảnh hưởng của con người và khí hậu đã tác động, biến đổi dòng sông huyền thoại như thế nào…

Sự thật - tiếng chuông cảnh tỉnh ở vùng chiến sự

Lâm Đức Hiền sinh năm 1966 bên bờ sông Mê Kông, đoạn chảy qua thị trấn Pakse, Nam Lào. Bố anh là người Việt, mẹ người Lào. Trong ký ức của Lâm Đức Hiền, hồi nhỏ anh thường sống với bà trong khi bố mẹ vất vả làm ăn. “Lúc nào tôi cũng đói. Đói cả ăn, lẫn học” - anh nói.

Nhà nghèo nên Đức Hiền bỏ học và theo học nghề sửa xe để kiếm sống. Năm 14 tuổi, cả gia đình vượt sông Mê Kông, tìm đường sang Pháp. Thế nên khi được đặt chân tới nước Pháp rồi, anh học, cho đỡ “khát”, để bù lại những cơn đói của tuổi thơ.

Lâm Đức Hiền là nhiếp ảnh gia tham gia nhiều dự án cho báo chí và các tổ chức phi chính phủ. Anh giành được nhiều giải thưởng: Ảnh báo chí thế giới danh giá cho bộ ảnh “Người Iraq”, Giải Leica, Great European của thành phố Vevey, Giải Villa Medicis, Giải thưởng Quỹ Jean-Luc Lagardère…

Lâm Đức Hiền kể: “Lúc đi ngủ, tôi thường gặp ác mộng. Tôi luôn nhớ bà, nhớ Việt Nam, nhớ Lào, nhớ mỗi khi gần tết, ông bà tôi thường ngồi ngoài sân gói bánh tét, bánh chưng. Đó là những gì dấu yêu làm tôi nhớ mãi.

Những ký ức thôi thúc khiến tôi luôn muốn trở lại vùng đất Mê Kông. Tôi muốn trước khi chết, phải tìm về với cội nguồn, phải đi dọc các nhánh sông Mê Kông, từ Việt Nam, tới Tây Tạng”…

lamduchien_008.jpg
Các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.

Vậy điều gì khiến cho một người theo học hội họa ở Pháp như Lâm Đức Hiền lại có thể trở thành phóng viên chiến trường có mặt ở những điểm nóng của thế giới?

Tại Pháp, Lâm Đức Hiền theo học Trường Đại học Mỹ thuật Lyon để trở thành một họa sĩ, nhưng có lẽ số phận run rủi nên anh đã trở thành nhiếp ảnh gia. Năm 1989, tại Rumani, nhà cầm quyền Ceausescu bất ngờ bị sụp đổ, một nhà báo đã đề nghị Lâm Đức Hiền giúp ông đi chụp hình các trại trẻ mồ côi để minh họa cho các bài viết trên báo chí của ông.

lamduchien_010.jpg

Khi chứng kiến tình trạng trẻ em trong các trại này, anh đã khóc, đã bị sốc tâm lý bởi những cảnh quá đỗi thương tâm. Trẻ em ở đó bị bỏ rơi, sống trong cảnh lạnh lẽo, không có lò sưởi, phải ăn uống trên nền đất. Sự việc ám ảnh ấy càng thôi thúc anh phải làm điều gì đó để cộng đồng có thể biết tới, giúp đỡ các em, đưa các em ra khỏi trại để sống một cuộc sống tốt hơn.

Bài báo và những hình ảnh Lâm Đức Hiền chụp, đã gây chấn động dư luận bấy giờ. Và thế là cuộc đời đã gắn Lâm Đức Hiền với chiếc máy ảnh trên tay, đi tới những vùng có chiến sự để ghi lại những mất mát đau thương của người dân ở Iraq, Rwanda, Bosnia…

Lâm Đức Hiền chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần thoát chết khỏi cảnh bom rơi, đạn nổ. Có lần đang ngồi uống cà phê trong chợ, gần nhà thờ Hồi giáo thì có quả bom nổ ngay sát bên cạnh. Bằng sự kỳ diệu nào đó của ơn trên, tôi thoát chết trong gang tấc.

Đó là quả bom khủng bố, khi tôi cầm máy ảnh chạy lại, có 150 người đã chết. Thi thể họ không còn được vẹn toàn, một lần nữa tôi lại bị sốc và sợ hãi, tôi nhiều lần nghẹt thở, không thể chụp được một bức ảnh nào vì cảm giác ám ảnh xâm chiếm.

Năm 1991, khi chụp những người Kurd tị nạn, có cảnh những người đàn bà giành nhau miếng ăn vì đói quá. Một người nhìn thấy tôi chụp hình, bà khóc, sợ bà giận đành hạ máy ảnh xuống nhưng bà nói: “Ông hãy cứ chụp đi…”.

Lúc đó, anh hiểu rằng: Mình phải chụp lại bởi đây là sự thật, để cả thế giới thấy người Kurd khổ như thế nào… Nhân vật của Lâm Đức Hiền thường là những người dân thường, người yếu thế, người nghèo, người lính, trẻ em, phụ nữ, dân thường… Anh đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi Ảnh Báo chí thế giới, hạng mục Chân dung cho bộ ảnh “Người Iraq” năm 2001.

mekong-histories-of-men2.jpg

Khao khát trở về dòng sông mẹ

Việc Lâm Đức Hiền trở lại với Mê Kông, cũng như anh đang đi tìm lại thời gian đã bị đánh mất của mình. Trong ký ức một đứa trẻ, có ông bà cha mẹ, có bạn bè, có cảnh vật, nhưng giờ cảnh cũ người xưa biết ai còn ai mất. Chính vì vậy, những bức hình của Lâm Đức Hiền luôn chứa chất tâm tư, tình cảm, bình dị nhưng rất ý nghĩa.

Triển lãm “Mê Kông, chuyện đôi bờ” là ký sự bằng hình ảnh miệt mài của anh trong gần 20 năm rong ruổi, ghi lại chân thực đời sống của người dân trên dòng Mê Kông từ đồng bằng sông Cửu Long tới thượng nguồn Tây Tạng, nơi phủ tuyết trắng quanh năm.

Anh luôn coi Mê Kông là hiện thân, là “người mẹ” của các dòng sông. Mỗi lần khám phá ngang dọc sông mẹ, anh luôn cảm thấy mình được bao bọc, hồi sinh.

Anh thầm nhủ: Đây chính là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi quê hương yêu dấu của mình. Thế nên mỗi lần thực hiện xong phóng sự tại các nước có chiến sự, anh lại quay trở về Việt Nam, Lào, để được sông mẹ xoa dịu, vỗ về. Anh đã thực hiện dự án “Ước vọng xa xứ”, “Dòng Mê Kông - Câu chuyện con người”, bởi tuy thân ở Pháp, nhưng tâm của anh lại như chỉ trú ngụ trên dòng sông quê hương.

Theo Lâm Đức Hiền, sông Mê Kông đã thay đổi rất nhiều so với khi anh làm phóng sự về dòng sông cách đây 20 năm. Ngày nay có quá nhiều đập chắn thượng nguồn ở các nước Trung Quốc, Campuchia và Lào… Các nhánh sông nhỏ bị điều khiển bởi các đập chắn và nước không còn dũng mãnh nhiều phù sa như xưa…

mekong-histories-of-men9.jpg

Những chú thích... không lời

Những bức hình của Lâm Đức Hiền không chỉ khắc họa sự đa dạng theo dòng chảy của con sông, mà còn ghi dấu những cảnh sinh sống của con người bên dòng Mê Kông.

“Thi thoảng có những tác phẩm không đi kèm chú thích, tôi muốn để người xem tự nhiên nhận ra nét khác biệt trên khuôn mặt nhân vật, những chân dung không nêu rõ dân tộc nào, miền đất nào, không còn cần một sự phân biệt nữa, bởi đã đều cùng chung một dòng sông mẹ thiêng liêng - sông Mê Kông! Tôi đã nghe họ kể những câu chuyện cá nhân mình, tôi nhận ra giữa người dân sống ven sông Mê Kông luôn có sự quan hệ mật thiết với nhau, đó là tình cảm diệu kỳ!” - Lâm Đức Hiền nói.

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền luôn khao khát quay trở lại thường xuyên với hành trình dọc sông Mê Kông. Anh muốn tìm lại những ngôi làng, muốn gặp lại những con người anh đã gặp trong hành trình của mình. Anh muốn biết giờ đây cuộc sống của họ ra sao. Anh muốn trao lại cho họ những bức hình anh đã chụp…

Và khao khát của anh với Việt Nam, đó là những ký ức rất bình dị của các con thuyền nhỏ quanh chợ nổi, khiến anh lại nhớ tiếng bà ru và món ăn bà nấu… Cũng giống như lời hát “Trở lại dòng sông nhớ đời mình…” có lẽ gọi Lâm Đức Hiền là nhiếp ảnh gia của Mê Kông cũng rất xứng đáng.

Bởi với anh, dòng sông quê cha đất tổ luôn gắn chặt trong tim. Anh luôn mong ước được thấy trở lại dòng Mê Kông tràn trề năng lượng, bồi đắp phù sa, với sự trù phú tấp nập của thuyền bè cùng hình ảnh người dân sống trên dòng sông thân thiện thuở nào...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền: Dòng sông Mê Kông luôn trong trái tim tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO