Nhiệt độ toàn cầu giai đoạn 2023 - 2027 đạt mức cao kỷ lục

QUỐC HƯNG 18/05/2023 15:33

(QNO) - Theo ghi nhận của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 5 năm tới kể từ 2023 gần như chắc chắn là khoảng thời gian nóng nhất từ trước đó.

 
Sông Ter (Tây Ban Nha) trơ đáy vì hạn hán. Ảnh: Getty Images

Nhiệt độ toàn cầu tăng vọt

Hôm qua 17/5, WMO của Liên hiệp quốc cảnh báo về nhiệt độ toàn cầu tăng vọt trong giai đoạn 2023 - 2027, chủ yếu do khí thải nhà kính và hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. 

Trước đó, 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận từ năm 2015 đến 2022, nhưng nhiệt độ được dự báo sẽ tăng hơn khi biến đổi khí hậu gia tăng.

WMO cho biết: "Có 98% khả năng ít nhất một trong 5 năm tới và cả giai đoạn 5 năm nói chung sẽ là thời điểm nóng nhất từng ghi nhận".

Thỏa thuận Paris 2015 chứng kiến các quốc gia đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức trung bình từ năm 1850 đến năm 1900 và dưới 1,5 độ C nếu có thể.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850 đến 1900.

Theo WMO, có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hằng năm sẽ vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một trong các năm từ 2023 đến 2027, với phạm vi dự báo từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C cho mỗi 5 năm đó.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas phát biểu: "Dù điều này không có nghĩa thế giới sẽ vĩnh viễn vượt quá tiêu chuẩn Paris, WMO gióng hồi chuông cảnh báo chúng ta sẽ vi phạm mức 1,5 độ C trên cơ sở tạm thời với tần suất ngày càng tăng". 

Ông Petteri Taalas nhận định, El Nino nóng lên dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới, kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng có, tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường.

Nhiều quốc gia gồng mình đối phó

Tại Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp và Italia, đất trở nên khô cằn. Mực nước sông và hồ chứa thấp đe dọa sản xuất thủy điện trong mùa hè này.

Nhiều nông dân Tây Ban Nha vừa báo cáo thiệt hại mùa màng lên tới 80%. Ngũ cốc và hạt có dầu nằm trong số hoa màu bị ảnh hưởng.

Năm ngoái, châu Âu ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục ở mức tồi tệ trong vòng ít nhất 500 năm trước đó.

Bồ Đào Nha đang trải qua một đợt hạn hán sớm, ảnh hưởng đến 90% diện tích đất liền...

 
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas. Ảnh: EPA-Yonhap

Bên cạnh một số quốc gia châu Á, vùng đất sừng châu Phi đang gồng mình đối phó đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ; trong khi đó đợt hạn hán lịch sử ở Argentina ảnh hưởng đến cây đậu tương và ngô, làm đảo lộn cuộc sống người dân. 

Hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở Địa Trung Hải - nơi nhiệt độ trung bình hiện cao hơn 1,5°C so với 150 năm trước.

Theo các chuyên gia, bất chấp những dự báo từ lâu, công tác chuẩn bị đang bị tụt lại phía sau. Nhiều vùng nông nghiệp vẫn chưa áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước như tưới tiêu hiệu quả hơn hoặc chuyển sang các loại cây trồng chịu hạn tốt hơn...

[VIDEO] - Nhiều khu vực trên thế giới đang chống chọi nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt (nguồn AP):

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiệt độ toàn cầu giai đoạn 2023 - 2027 đạt mức cao kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO