Ngày 8.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị đánh giá tình hình thực hiện khoán bảo vệ rừng theo các chính sách nhà nước hiện hành trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh giao khoán bảo vệ rừng theo các chính sách hỗ trợ ngân sách nhà nước cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình với tổng diện tích 78.419ha (thuộc chương trình 30a, Nghị định số 75 năm 2015 của Chính phủ, Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững) và khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010 ngày 24.9.2010 của Chính phủ. Hình thức khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ hiện đã giao được 216.500ha; khoán rừng cho cộng đồng là 7.390ha; khoán cho đội bảo vệ rừng của xã là 3.128ha… Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, sau 6 năm (2012 - 2017) thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã lập nên nguồn tài chính mới ngoài ngân sách, đảm bảo ổn định cho quản lý, bảo vệ rừng; từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi. Tuy nhiên, chính sách giao khoán bảo vệ rừng còn nhiều bất cập như tái diễn tình trạng rừng giao khoán bị xâm hại, lấn chiếm trái phép; vai trò, trách nhiệm của chủ rừng chưa rõ ràng. Số tiền nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp, một số nhóm hộ ở cùng một thôn có số lượng hộ trong nhóm bằng nhau nhưng có diện tích nhận khoán khác nhau (do diện tích lâm phận của mỗi đơn vị khác nhau) nên dẫn đến sự so bì quyền lợi giữa các nhóm. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài xử lý nhóm hộ nhận khoán để rừng bị xâm hại…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, hiện nay ở một số nơi do chưa phân định rõ ràng giữa quy hoạch rừng với vùng sản xuất nương rẫy, diện tích rừng nằm manh mún xen lẫn với rẫy dẫn đến quản lý rừng vùng giáp ranh gặp khó khăn. Sắp đến cần công bố rộng rãi kế hoạch bảo vệ rừng; nhân rộng các mô hình giám sát quản lý, bảo vệ rừng bằng công nghệ…
H.PHÚC