Hơn 3 năm qua, tuyến ĐT616 được chuyển lên thành quốc lộ (QL) 40B nhưng nỗi lo tai nạn giao thông (TNGT) và bị chia cắt vào mùa mưa bão chưa bao giờ nguôi.
Nhiều bất cập
Trục giao thông chiến lược vừa nêu có điểm xuất phát từ xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) giao với đường Thanh niên ven biển, đi dọc theo đường Nam Quảng Nam mới được xây dựng và các tuyến ĐT616 (Quảng Nam), ĐT672 (Kon Tum) rồi kết thúc tại km1506 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Đắc Tô, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Tổng chiều dài toàn tuyến 209,1km; trong đó đoạn qua Quảng Nam dài 147,4km. Về đường Nam Quảng Nam, giai đoạn I của dự án xây dựng tổng cộng 55,48km, gồm khoảng 11km qua TP.Tam Kỳ, 36km nối Quảng Nam - Kon Tum thuộc địa phận huyện Nam Trà My và 3 tuyến tránh Tiên Kỳ (Tiên Phước), Trà My (Bắc Trà My), Tắc Pỏ (Nam Trà My). Sau thời gian dài thi công, đoạn qua Tam Kỳ và Nam Trà My đã đưa vào sử dụng năm 2011. Do gặp khó khăn về nguồn vốn bố trí, đến năm nay mới hoàn thành tuyến tránh cuối cùng qua thị trấn Trà My. Trước khi Bộ GTVT chuyển thành QL40B, tuyến ĐT616 từ Tam Kỳ lên Nam Trà My được tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực (kể cả vay vốn) nâng cấp mặt đường nhiều đoạn. Tuy nhiên, ngầm Sông Trường và ngầm Nước Oa thiếu kinh phí để đầu tư xây dựng bằng cầu kiên cố; cầu bản cũ kỹ chưa thay thế.
Cầu bản bị gãy đổ, cần được thay thế bằng cống hộp. Ảnh: C.T |
Đã hơn 3 năm “lên đời” QL40B, bề rộng nền đường nhiều đoạn tuyến ĐT616 cũ giữ nguyên trạng. Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Thanh An cho biết, không tính 3 tuyến tránh, tổng cộng hiện còn khoảng 101,3km QL40B qua địa phận Quảng Nam chưa được đầu tư mở rộng. Để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành sửa chữa các đoạn bị hư hỏng bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Công việc chủ yếu là sửa chữa gia cố lề, bổ sung rãnh dọc, sửa chữa khẩn cấp một số vị trí taluy dương sụt trượt, sửa chữa taluy âm một số điểm… Song nhìn chung, lòng đường xuyên qua phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), nhiều xã của các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My (Tắc Pỏ ngược xuống) chủ yếu chật hẹp, nền quanh co rất nguy hiểm. Lãnh đạo các huyện nêu khó khăn khi giao thông hạn chế như: việc kêu gọi nhà đầu tư lên miền ngược hợp tác làm ăn luôn gặp trở ngại; đảm bảo an sinh xã hội, cứu hộ cứu nạn chưa có lời giải thỏa đáng. Chưa kể, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng “rải” đều từ Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh. Vấn nạn kinh hoàng đến nỗi Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước phải vận động thành lập các đội sơ cấp cứu nhanh TNGT trên địa bàn các xã có QL40B đi qua.
Tìm giải pháp
Báo Quảng Nam đã thông tin, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT bổ sung dự án nâng cấp quốc lộ 40B, đoạn Tam Kỳ - Tiên Phước vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư của công trình mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để thực hiện. Vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT quan tâm xúc tiến để dự án sớm được triển khai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng mới đây cho biết, năm 2017, Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng 2 cầu Sông Trường và Nước Oa, thuộc dự án cải tạo cầu yếu và kết nối trên các tuyến QL, sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Về phía người tham gia giao thông tuyến đường trên đề nghị, QL40B cần phải được mở rộng những đoạn còn lại, đồng thời có giải pháp kiên cố hóa taluy âm và taluy dương mới phát huy được hiệu quả cung đường chiến lược từ Tam Kỳ nối thông lên đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). |
Qua khảo sát thực tế của đơn vị được giao bảo trì, mật độ phương tiện tham gia giao thông QL40B ngày một thêm đông đúc. Mưa lớn kéo dài là nước lũ băng ngay qua ngầm Sông Trường và ngầm Nước Oa. Nhiều vụ học sinh, người tham gia giao thông bị nước cuốn trôi vô cùng thương tâm. Taluy dương thuộc nhiều đoạn tuyến chưa ổn định đã sạt lở chất cao ngất ngưởng. Thực trạng đó gây chia cắt lưu thông từ Bắc Trà My lên Nam Trà My và ngược lại nhiều ngày. Đầu tháng 11 vừa qua, mưa lũ “kéo” hơn 50.000m3 đất, đá và cây cối vùi nền QL40B, cuốn trôi cầu. Sau mấy ngày đêm ra sức khắc phục, QL40B mới thông xe trở lại. Người và phương tiện muốn qua khu vực cầu bản chỉ có thể đi trên đường tạm.
Lo lắng cho tính mạng của nhân dân, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị từ năm 2014 nhưng Tổng cục Đường bộ lúc bấy giờ không đồng thuận vì cho rằng chưa có kinh phí làm cầu thay ngầm. Tại các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội suốt thời gian vừa qua, cử tri các huyện phía tây nam Quảng Nam liên tục kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GTVT về việc cần thiết phải nâng cấp, mở rộng QL40B đang quá tải để đảm bảo an toàn giao thông, phát triển kinh tế vùng khó khăn… Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam cho rằng, Bộ GTVT cần sớm bố trí kinh phí để xây dựng cống hộp 3 cửa tại vị trí cầu bản cũ, có bề rộng đúng theo quy hoạch. Có như vậy, khẩu độ mới đảm bảo cho nước suối chảy qua và khai thác lâu dài. Theo lãnh đạo Sở GTVT và đơn vị quản lý QL40B, Bộ GTVT cũng cần khẩn trương làm cầu kiên cố để đảm bảo an toàn tại điểm ngầm Sông Trường và ngầm Nước Oa.
CÔNG TÚ