Những ngày đầu năm 2014, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhiều nước, gióng thêm hồi chuông cảnh báo nhức nhối về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cảnh sát thị trấn Mojokerto trên đảo Java của Indonesia cho biết, họ đang giữ 2 kẻ tình nghi liên quan đến sản xuất và phân phối rượu lậu tại các quầy hàng vỉa hè khắp thị trấn, khiến 16 người tử vong và 9 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Qua điều tra, các cơ quan chức năng phát hiện loại rượu mà các nạn nhân này đã uống để chúc mừng năm mới được chế biến từ nhựa cây cọ, gạo có chứa độc chất methanol. Cảnh sát cũng thu giữ hàng loạt chai rượu lậu được cho là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc nói trên. Còn nhớ vào năm 2009, trên đảo Bali của Indonesia cũng xảy ra vụ ngộ độc rượu chứa methanol làm 25 người thiệt mạng, trong đó có 4 người nước ngoài.
Chính quyền Java tiêu hủy số lượng lớn rượu giả. |
Ông Nurhadi Santoso, cảnh sát trưởng vùng Mojokerto cho biết: “Trong những năm qua, các cơ quan chức năng ở địa phương đã ban bố lệnh cấm bán rượu tại một số khu vực của Java. Tuy nhiên, số ca tử vong do rượu lậu lại tăng lên, bởi chứa các độc chất đe dọa đến tính mạng cho người sử dụng”. Hồi tháng 9 năm ngoái cũng tại Java đã có 12 người tử vong do ngộ độc rượu có chứa methanol.
Mới đây các phương tiện truyền thông của Nhật Bản đưa tin, 359 người ở 32 tỉnh của Nhật đã có biểu hiện bất thường về sức khỏe như chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy… sau khi ăn phải các sản phẩm đông lạnh nhiễm thuốc trừ sâu, được sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Gunma, thuộc tập đoàn hải sản lớn nhất Nhật Bản, Maruha Nichiro Holdings. Theo điều tra, những sản phẩm này đều chứa malathion - một loại thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp và nhà vườn, có thể dùng để diệt bọ chét trên người và động vật. Ở nồng độ cao, chất này có thể gây tử vong. Tính đến ngày 4.1, hãng đã thu hồi gần 1,2 triệu sản phẩm nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 17% sản phẩm nhiễm độc đã được bán.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người trong thời gian gần đây nhất. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm là thứ nuôi con người nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, hơn 1/3 dân số các nước phát triển bị ảnh hưởng của các bệnh do thực phẩm gây ra mỗi năm. Đối với các nước đang phát triển, tình trạng lại càng trầm trọng hơn nhiều, hàng năm gây tử vong hơn 2 triệu người, trong đó hầu hết là trẻ em. Hiện có tới 400 bệnh lây qua thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. Trong khi ngộ độc cấp tính còn có thể cứu được tính mạng của nạn nhân thì tình trạng ngộ độc mạn tính, tức độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài khi bộc phát rất nguy hiểm.
WHO cảnh báo, xu hướng ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm càng phổ biến tại nhiều nước, với quy mô và hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc phòng ngừa và xử lý vấn đề này đang gặp khó khăn ở mỗi quốc gia, trở thành một thách thức lớn của toàn nhân loại.
QUỐC HƯNG