Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 1.2022

P.V (tổng hợp) 01/01/2022 09:44

(QNO) - Bắt đầu từ 1.1.2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực như tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động; 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần; xử phạt ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera...

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tận nhà:
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tận nhà. Ảnh: D.L

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Từ 1.1.2022, theo Nghị định số 108 của Chính phủ, người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng được tăng lên 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12.2021.

Ngoài ra, điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 108: tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam.

So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Thời điểm nghỉ hưu được xác định từ khi kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Còn thời điểm người lao động được nhận lương hưu là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.

Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/ lần

Ngày 2.1.2022, Nghị định 95 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày /lần vào các ngày 1, 11, 21 hằng tháng. Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Nghị định không áp dụng đối với thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất và pha chế các loại xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình với số lượng không quá 200 lít/kg/tháng và không lưu thông trên thị trường.

Trước đây, Nghị định 83 quy định khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Xử phạt ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera

Từ 1.1.2022, theo Nghị quyết 66 của Chính phủ, ô tô kinh doanh vận tải (taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng…) không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Theo Thông tư 58 của Bộ Công an, trước 31.1.2021 những phương tiện phải đổi biển số sang màu vàng gồm xe tải, xe công nghệ, taxi truyền thống, xe khách kinh doanh vận tải.

Từ 1.1.2022, các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải chưa đổi biển số vàng sẽ bị xử phạt từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân; đối với chủ xe là tổ chức, mức phạt là 4 - 8 triệu đồng.

Không đội mũ bảo hiểm bị phạt đến 600.000 đồng

Nghị định 123 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng sẽ có hiệu lực từ 1.1.2022.

Theo đó, hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600.000 đồng. Mức phạt này tăng gấp đôi so với Nghị định 100 (200 - 300.000 đồng).

Cũng theo nghị định này, người điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền 4 - 6 triệu đồng.

Nghị định 100 quy định mức xử phạt với hành vi này là từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Như vậy, mức xử phạt với hành vi nêu trên sẽ tăng lên 6 lần từ đầu năm 2022.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 1.2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO