(QNO) - Cùng với quy định về nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam, chính sách mới về quyền trẻ em…, từ tháng 7.2017, nhiều chính sách liên quan vấn đề lao động - tiền lương có hiệu lực.
Nhiều chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 7.2017. (ảnh minh họa) |
Tăng lương cơ sở từ ngày 1.7
Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên thành 1.300.000 đồng/tháng kể từ ngày 1.7. Mức lương cơ sở này sẽ dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật với một số đối tượng; mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Hướng dẫn tính lương cán bộ, công chức theo mức lương cơ sở mới
Để thuận tiện trong việc thực hiện mức lương cơ sở mới với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 1.7). Thông tư hướng dẫn chi tiết cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đại biểu Hội đồng nhân dân; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Tăng mức đóng bảo hiểm
Theo Quyết định 2159/BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1.7, mức tham gia bảo hiểm y tế của hộ gia đình được xây dựng trên nền lương cơ sở.
Cụ thể, mức đóng phí bảo hiểm y tế bằng 4,5% theo lương cơ sở. Do lương cơ sở tăng theo Nghị định 47/2017 nên mức phí tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng từ 653.000 đồng/người/năm lên 702.000 đồng/người/năm; mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn tăng theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1.7, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 26 triệu đồng/tháng.
Phân bổ lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề
Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ tháng 7 quy định thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng/trung cấp nghề giữ nguyên là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, tuy nhiên phân bổ lại thời gian làm việc cụ thể như sau:
Người thực hiện công tác giảng dạy/giáo dục học viên/học sinh/sinh viên: 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp. Đối với người học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa/nâng cao, nghiên cứu khoa học: 8 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thay vì 12 tuần như trước đây; 4 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp thay vì 8 tuần như trước đây. Đối với người thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan chuyên môn: 4 tuần. Trường hợp không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thì được quy đổi thời gian còn lại chuyển sang công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng hoặc giám đốc giao.
Nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có hiệu lực từ 1.7 dành riêng Điều 95 quy định các nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam. Có 5 nguyên tắc, trong đó phải được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa quốc gia tàu mang cờ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam qua đường ngoại giao trước khi tàu đến Việt Nam; chương trình hoạt động của tàu và các thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận, trường hợp có sự thay đổi, phát sinh phải được phép của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Khi tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển phải thực hiện một số quy định liên quan như tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ; bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu; đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản; dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam; chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký; đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang quy định. Nếu tàu muốn di chuyển từ cảng biển này sang cảng biển khác của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
Cấm tự ý đưa hình ảnh trẻ em lên mạng
Nghị định 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.7 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em quy định một số thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng: tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân...
Ngoài ra, những thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em cũng phải được bảo vệ.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên...
CHÂU NỮ (Tổng hợp)