Nhiều chủ rừng chưa được giao đất

TRẦN HỮU 22/03/2021 06:19

Từ nhiều năm nay Quảng Nam đã thực hiện đổi mới, sắp xếp lại nông lâm trường quốc doanh; sắp xếp bộ máy, “thay tên đổi chủ” các ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn, vườn quốc gia . Tuy nhiên, hiện nhiều chủ rừng vẫn chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (bìa đỏ). 

Đất rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh vẫn chưa được cấp bìa đỏ. Ảnh: H.P
Đất rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh vẫn chưa được cấp bìa đỏ. Ảnh: H.P

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2031 về việc phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh thuộc UBND tỉnh quản lý. Sau đó, ngành nông nghiệp tiến hành rà soát, củng cố và chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động nông lâm trường thành các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ.

Giao đúng đối tượng

Quảng Nam hiện không còn mô hình nông lâm trường quốc doanh mà đã chuyển đổi qua hình thức hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Các đơn vị này chủ yếu sử dụng đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây cao su, đất trồng cây hàng năm (chè).

Thời điểm trước sắp xếp, tổng diện tích đất nông trường, lâm trường quản lý khoảng 114.352ha; chưa kể diện tích đất đã bàn giao lại cho địa phương sau khi rà soát là 72.305ha. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp theo Nghị định số 118 ngày 17.12.2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp thì diện tích bị thu hẹp đáng kể.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, đến nay Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng được giao quản lý, sử dụng 306ha tại xã Ba (Đông Giang); Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam được giao 7.543ha tại 18 xã trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình và Núi Thành.

Còn Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang được giao 4.677ha đất trồng cây cao su tại huyện Bắc Trà My và Nam Giang; tuy nhiên trong số diện tích này công ty mới cắm mốc ranh giới thực địa 2.357,7ha, bao gồm đất trụ sở công ty và đất thuê của hộ gia đình, cá nhân đã có bìa đỏ, diện tích còn lại hầu hết do các ban quản lý rừng và công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh quản lý, sử dụng.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, loại hình sản xuất của các công ty sau khi rà soát, sắp xếp lại chủ yếu là bằng hình thức thuê đất để trồng cao su, chè, trồng rừng nguyên liệu.

 

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Thanh Hà cho hay, đến nay trên địa bàn tỉnh mới có 3 công ty nông lâm nghiệp hoàn thiện phương án sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư số 07, ngày 26.2.2015 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất; cho thuê đất và cấp bìa đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông lâm nghiệp.

Tất cả phương án sử dụng đất của 3 công ty trên được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2016. Đến nay đã giao đất và cấp 5 bìa đỏ đất xây dựng trụ sở, trạm quản lý bảo vệ rừng cho 3 chủ rừng gồm Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn, A Vương và Khu bảo tồn Sao la; cấp bìa đỏ đất vườn ươm cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn (diện tích 0,3ha). UBND tỉnh đã giao đất và cấp bìa đỏ cho 5 ban quản lý rừng phòng hộ gồm Sông Kôn, A Vương, Bắc Sông Bung, Sông Tranh, Đắc Mi với diện tích 178.581ha.

Chậm giao đất trên thực địa

Cuối năm 2020, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã được quyết định nâng hạng lên Vườn quốc gia Sông Thanh. Tuy nhiên, theo hồ sơ thu thập thì vườn quốc gia này hiện vẫn chưa thực hiện khâu giao đất trên thực địa, cũng như lập thủ tục hồ sơ để được cấp bìa đỏ (diện tích gần 74.748ha). Thậm chí, cả diện tích đất rừng phòng hộ chỉ hơn 3.146ha thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã tại 2 xã A Ting và Sông Kôn (Đông Giang) vẫn chưa triển khai giao đất.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và môi trường, có 7 ban quản lý rừng phòng hộ và khu bảo tồn quản lý rừng (gồm 2 Vườn quốc gia Sông Thanh, Bạch Mã, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo tồn Sao la, các Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung và Phú Ninh) chưa được giao đất và cấp bìa đỏ với diện tích khoảng 200.808ha.

Ngành chức năng lý giải việc chậm giao đất, đo đạc, xác định ranh giới, chủ sở hữu đất, lập thủ tục hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động, cấp bìa đỏ chủ yếu do... thiếu kinh phí. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giao đất lâm nghiệp gặp vướng mắc chậm tháo gỡ còn nằm ở quy hoạch theo dự án 1/10.000 trước đây. Quy hoạch dự án đất lâm nghiệp này chồng lấn, sai lệch lớn giữa hồ sơ và thực tế.

Ông Trần Thanh Hà kiến nghị, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) sớm trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí để Quảng Nam tiếp tục thực hiện “Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh, hạng mục: cắm mốc ranh giới sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất cho các ban quản lý rừng, khu bảo tồn, vườn quốc gia, các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh” không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118 được UBND tỉnh phê duyệt.

Hiện Sở Tài nguyên và môi trường cùng Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp bìa đỏ cho các ban quản lý rừng phòng hộ (đơn vị trực thuộc Sở NN& PTNT) theo số liệu tạm thời để quản lý theo ranh giới, diện tích lâm phận đã xác định tại phương án rà soát, điều chỉnh mở rộng lâm phận và sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý rừng phòng hộ” - ông Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều chủ rừng chưa được giao đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO