Hai từ “nhiều chuyện”, ai cũng biết, là để chỉ những ai nói... nhiều chuyện quá, là ngồi lê đôi mách, là đâm bị thóc thọc bị gạo... Kẻ bị gọi là “nhiều chuyện”, hẳn nhiên không được ai ưa ai mến, tất nhiên rồi.
Nếu thử đi tìm một “phân tích xã hội học”, thì căn nguyên của cái căn bệnh này là ở đâu, nếu không từ sinh hoạt của đời sống tiểu nông? Dường như nhận xét này có thể được nhiều người đồng ý. Nếu cần dẫn trưng bằng cớ, thôi thì có biết bao nhiêu chuyện vặt thường ngày, tỷ như: “Nhà cái lão X. nọ không biết trúng mánh chi mà mua sắm đồ đạc quá chừng chừng?” hoặc là: “Cái con mẹ Y. ở xóm dưới nghe đâu mới bợ được thằng rể Việt kiều khẳm đạn lắm”...
Nhưng nhìn tới, rồi cũng nên ngó lui. Trong nếp sinh hoạt ở chốn nông thôn, con người ta mới có thể nảy sinh tình lân lý, nghĩa láng giềng. Thì đấy, chỉ một ví dụ thôi: Cái gia đình neo đơn kia vừa có người nằm xuống, đang bối rối chưa biết phải lo hậu sự ra làm sao, thì tộc họ đã mang trống chiêng đến để đám tang có đủ cái “lễ” cho việc đón tiếp bà con trong xóm làng tới viếng tang... Còn ở chốn thị thành, nhịp sống hối hả xô bồ giữa cái kỷ nguyên “hóa toàn cầu” với bao tiếng vật chất mời gọi đã khiến cho con người ta không còn thời gian để quan tâm đến những người hàng xóm của mình nữa. Cứ thế mà... trôi, thì dần dần, đời sống tinh thần sẽ khô cạn dần đi, chẳng phải sao?
“Nhiều chuyện”, tùy theo góc nhìn, có thể tốt hoặc không tốt. Nếu tâm lành - ý sáng, trong mục đích của mọi việc làm là phải hướng về lợi lạc của đám đông, được như thế, có lẽ, cứ nên... nhiều chuyện. Như cái tinh thần trượng nghĩa của người xưa. Như cái tính “hay cãi” của những người chưa đánh mất truyền thống trên mảnh đất chưa mưa đà thấm này.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT