Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa ký ban hành Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND về Cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020, đã được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 mới đây. Bên cạnh mục tiêu tổng quát về việc bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh, phát huy thế mạnh của tỉnh, tạo ra các sản phẩm dược liệu từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam, nghị quyết đề ra yêu cầu phấn đấu từ nay đến năm 2020, Trạm Dược liệu Trà Linh sản xuất 9 triệu cây sâm giống; diện tích lũy kế vùng trồng mới sâm đạt 150ha (tính theo mật độ trồng dưới tán rừng: 50.000 cây/ha đất rừng).
Phạm vi được hưởng cơ chế hỗ trợ là khu vực theo quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, trong đó tập trung ở các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang; bảo tồn tự nhiên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo tồn chủ động từ nguồn cây trồng tại khu vực do Trạm Dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) quản lý. Ngoài ra, còn có những vùng di thực sâm Ngọc Linh tại các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, sau khi đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định, chứng nhận chất lượng sâm và đảm bảo các điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng...).
Đối tượng được hỗ trợ là nhóm hộ có hộ khẩu thường trú tại các địa phương trong phạm vi hỗ trợ, có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng sâm, đảm bảo các quy định về điều kiện được hỗ trợ; Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam; Trại sâm Tắc Ngo thuộc UBND huyện Nam Trà My. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ về đất, giống và tín dụng. Trong đó, nhóm hộ được nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng ở phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ và rừng phòng hộ theo quy hoạch và kế hoạch giao khoán để quản lý, bảo vệ rừng kết hợp trồng sâm dưới tán rừng. Trạm Dược liệu Trà Linh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh theo quy định của pháp luật. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% giá mua cây sâm giống (giá sâm giống do Sở Tài chính định giá từng năm), nhưng không quá 500 cây/hộ/năm. Trại sâm Tắc Ngo thuộc UBND huyện Nam Trà My được hưởng mức hỗ trợ tương tự, nhưng số lượng cây giống hỗ trợ tùy tình hình thực tế từng năm và được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng về hỗ trợ về tín dụng, ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại; mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ, dùng để mua sắm trang thiết bị quản lý và bảo vệ vườn sâm, thời gian vay không quá 7 năm. Ngoài ra, hộ (đã đăng ký thành nhóm hộ) được hưởng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng theo quy định hiện hành; được hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để tự tổ chức sản xuất giống phục vụ cho đầu tư phát triển vùng sâm nguyên liệu trên đất được giao khoán...
Để được hưởng các cơ chế trên, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ phải cam kết không thực hiện các hành vi dẫn nhập sâm ngoại lai vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh; lợi dụng chính sách hỗ trợ mua sâm giống của Nhà nước để hưởng lợi; bán sâm chưa đến tuổi khai thác. Đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác sâm Ngọc Linh, chịu sự kiểm tra, giám sát và nghiệm thu của các cơ quan chức năng...
B.T.V