Chu Lai được gì sau 15 năm và làm gì để hiện thực hóa quyết định quy hoạch chung vừa được phê chuẩn trong tầm vóc của một khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam… vẫn là câu chuyện luôn được đặt trên bàn nghị sự.
Khu kinh tế mở Chu Lai là động lực phát triển của Quảng Nam. Trong ảnh: cảng Chu Lai - Trường Hải. Ảnh: T.DŨNG |
Chuyển động mới
Giao lộ quốc lộ 1 - cảng Tam Hiệp - đường vào Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải đã trở thành một đại công trường. Hình vóc của một nút giao vòng xuyến 2 tầng tại khu vực này đã lộ diện. Dự án được kỳ vọng sẽ giải tỏa sự tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm ở giao lộ này. Vào ngày khánh thành dự án (dự kiến 17.8.2018), Thaco còn khai trương nhà máy sản xuất máy nông nghiệp (chuyển giao công nghệ Hàn Quốc) sản xuất các loại máy kéo nông nghiệp, thiết bị canh tác. Ngoài ra, nhà máy Thaco Mazda công suất 100.000 xe/năm, tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai đã được khai trương hồi đầu năm 2018... là những chuyển động mới nhất, mang thêm nhiều sinh khí cho Khu kinh tế mở Chu Lai sau 15 năm.
Con số 86/136 dự án đầu tư đang hoạt động với vốn thực hiện hơn 1,1 tỷ USD có được sau 15 năm của Khu kinh tế mở Chu Lai thật sự là ít ỏi so với ước vọng và nỗ lực của chính quyền. Tuy nhiên, một con số so sánh khác, sẽ thấy Chu Lai đã phát triển đáng kể. Đó là thời kỳ khởi điểm, khu kinh tế này chỉ chiếm 15 - 16% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, thua xa tỷ lệ 33% của Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, nhưng đến nay Chu Lai đã chiếm hơn 35% (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc chiếm 13 - 14%), tạo ra số lượng việc làm cho 24.000 lao động đã chứng minh khu kinh tế này là động lực phát triển của Quảng Nam. Điểm nổi bật của Chu Lai chính là việc thu hút mạnh mẽ dòng vốn của khu vực kinh tế tư nhân, dẫn đầu là Thaco, kính nổi và hàng trăm nhà máy, công xưởng quy mô khu vực, vươn tầm Đông Nam Á. Những sản phẩm từ khu kinh tế đã bước chân vào thị trường khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói sẽ kiểm nghiệm, đánh giá nhưng thành công của Chu Lai là tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng ban đầu. Chính khu vực này đã trở thành động lực thúc đẩy, tạo điều kiện sản xuất công nghiệp, dịch vụ sôi động hơn, giúp Quảng Nam đứng vị trí tốt trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Sự phát triển của nhiều doanh nghiệp lớn khu vực này sẽ trở thành bản lề để Quảng Nam hoạch định 6 nhóm dự án chiến lược vùng đông nam, quyết định cho sự phát triển của tỉnh. Dự báo đến năm 2020, Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ chiếm 65% tỷ trọng công nghiệp và 30% tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh.
Đợi chờ cơ hội
Sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai trên nền tảng mang tính địa phương, tự làm, tự xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, không có cơ chế đột phá và cho dù thành công hiện chỉ ở mức một khu công nghiệp “bậc cao” hơn là vai trò của một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia thì Chu Lai vẫn đang tràn đầy cơ hội. Ông Cao Ngọc Tích - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai nói tốc độ xây dựng hạ tầng không thành công so với tầm vóc của một khu kinh tế mở đầu tiên Việt Nam, nguồn lực không đáp ứng quy mô quy hoạch, chưa thực sự bùng nổ đầu tư, nhưng thu hút được một lượng vốn lớn (tiền Nhà nước bỏ ra không nhiều so với các khu kinh tế khác) đã chứng minh sự thành công của Chu Lai. Khu vực này vẫn còn nhiều cơ hội vì thực sự nó vẫn chưa phát triển được bao nhiêu.
Câu chuyện Chu Lai luôn được đặt trên bàn nghị sự, không chỉ ở cấp địa phương mà cả Trung ương. Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trên diện tích 27.000ha, kéo từ Núi Thành đến hầu hết các xã vùng đông Thăng Bình.
Theo quy hoạch này sẽ xây dựng Chu Lai thành khu vực phát triển kinh tế năng động bền vững, là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, logistics và sản xuất nông nghiệp của vùng và khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển biển Việt Nam. Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ có tính chất là một khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Khu vực này sẽ phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm điện khí và sản phẩm hóa dầu, công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao. Không chỉ vậy, Chu Lai sẽ trở thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cửa ngõ kết nối ra biển Đông của cao nguyên Trung phần, Nam Lào, Đông bắc Campuchia, Thái Lan.
Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho hay, quyết định mới điều chỉnh quy hoạch Chu Lai mang theo hy vọng về tái khởi động cho khu thương mại tự do. Khu vực này đã có đà, có động lực, dự báo sẽ tiếp tục phát triển. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng Chu Lai chưa bao giờ thực sự được trao quyền thử nghiệm các chính sách nên kết quả còn hạn chế so với nhiều khu công nghiệp khác, dù quy mô lớn hơn khá nhiều. Để hiện thực hóa quy hoạch, đầu tư cần một quá trình. Chu Lai đã được nhìn nhận như một khu vực có tầm vóc gắn kết, thúc đẩy cả vùng duyên hải miền Trung, tạo nên những cú hích mạnh mẽ, khơi dậy tiềm lực kinh tế vùng đất này.
Trong góc nhìn khác của giới chuyên gia, TS.Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói mô hình Chu Lai khá tốt và thành công nhất trong số các khu công nghiệp hiện hữu. Chu Lai chắc chắn sẽ là một sân bay vùng lớn. Một đô thị sân bay gắn với logistic shàng không chính là cơ hội. Nhưng thời điểm nào để được đầu tư thì phải tính đến chiến lược. Nếu tận dụng được cơ hội, lợi thế này, chắc chắn Chu Lai sẽ phát triển đúng tầm vóc.
TRỊNH DŨNG