Nhiều đảo ở Solomon bị nước biển nhấn chìm

NAM VIỆT 12/05/2016 09:05

Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Úc về tình trạng nước biển dâng đã “nuốt chửng” hàng chục hòn đảo tại Solomon,  gây nên nhiều lo ngại.

Hòn đảo Kennedy của Solomon gần như bị nhấn chìm hoàn toàn. (Ảnh: GETTY IMAGES/AFP)
Hòn đảo Kennedy của Solomon gần như bị nhấn chìm hoàn toàn. (Ảnh: GETTY IMAGES/AFP)

Nghiên cứu trên vừa được đăng trên chí khoa học Environmental Research Letters (Nghiên cứu môi trường). Theo đó, chỉ trong vòng vài thập kỷ trở lại đây, có ít nhất 11 hòn đảo phía bắc của đảo quốc Solomon thuộc khu vực Thái Bình Dương hoàn toàn biến mất hoặc bị xói mòn nghiêm trọng. Năm hòn đảo bị nước biển nhấn chìm hoàn toàn là Kakatina, Kale, Rapita, Rehana và Zollies. Những nơi này từng là các đảo đá ngầm có hệ thực vật sinh trưởng và thỉnh thoảng có cư dân lưu trú. Sáu đảo đá ngầm khác bị xói mòn nghiêm trọng ít nhất 20% - 50% diện tích, hàng chục ngôi nhà đã bị nước biển cuốn trôi trong giai đoạn 2011 - 2014. Như hòn đảo Nuatambu hiện đã bị mất 50% diện tích (tương đương 14.000m2).

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu khí hậu tại Mỹ, nếu nhiệt độ trái đất nóng lên 20C thì nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất hiện là nơi sinh sống của 280 triệu người, lên 40C thì nhấn chìm khu vực của 600 triệu người.

Trước thực trạng đó, nhiều cộng đồng dân cư buộc phải di dời và định cư tại khu vực trên cao hơn để tiếp tục cuộc sống, nhưng nơi ở mới cũng không mấy thuận lợi. Như tại Nuatambu, người dân địa phương phải chuyển đến sống ở một đảo núi lửa ở gần đó. Tại Solomon, người bản địa sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ biển. Các quần đảo bị biến mất từng là nơi đánh bắt hải sản của cư dân địa phương. Tuy nhiên, quần đảo Solomon - một quốc gia với dân số khoảng 640 nghìn người, được coi là điểm nóng về nước biển dâng với mức nước tăng gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình thế giới. Simon Albert, trưởng nhóm nghiên cứu về hiện tượng nước biển dâng thuộc Đại học Queensland của Canada cho biết, đúng như những cảnh báo của các nhà khoa học, việc các hòn đảo biến mất tại Solomon hay có nguy cơ nhấn chìm nhiều khu vực đất đai ven biển, thành phố khác trên thế giới  do nước biển dâng cao. Đây là hậu quả từ hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu mà con người là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa này.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc được thực hiện trong giai đoạn năm 1947 - 2014 bằng việc sử dụng vệ tinh và thiết bị trên không để chụp ảnh theo dõi sự thay đổi 33 hòn đảo tại Solomon. Kết quả, trong vòng 20 năm qua, mỗi năm mực nước biển dâng cao thêm 7 - 10mm. Nếu tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn, nhiều hòn đảo khác tại Solomon tiếp tục bị nhấn chìm, buộc cư dân phải từ bỏ các ngôi làng tồn tại gần 100 năm qua. Sirilo Sutaroti, 94 tuổi, người vừa từ bỏ ngôi làng của mình cho biết: “Nước biển bắt đầu vào đất liền buộc chúng tôi phải tìm chỗ ở trên các vùng đất cao hơn và xây dựng ngôi làng mới”. Ngoài ra, nghiên cứu của các nhà khoa học Úc còn cảnh báo khu vực Taro, thủ phủ tỉnh Choiseul của Solomon có nguy cơ và khả năng trở thành khu vực thủ phủ đầu tiên của một tỉnh trên thế giới buộc phải di dời trước tình trạng nước biển dâng. Do đó, người đứng đầu Hội đồng thảm họa quốc gia Solomon kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ từ các đối tác phát triển và các cơ chế tài chính quốc tế như Quỹ Green Climate của Liên hiệp quốc nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều đảo ở Solomon bị nước biển nhấn chìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO