Nhiều đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

HOÀNG LIÊN 12/06/2014 10:31

Đến nay, Quảng Nam đã triển khai nhiều đề tài/dự án nghiên cứu hướng tới bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu quý đã trở thành thương hiệu quốc gia.

Dù diện tích, số lượng sâm giống lẫn sâm nguyên liệu hiện nay ở Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, song không thể phủ nhận những nỗ lực bảo tồn và phát triển dược liệu nhiều năm qua tỉnh nhà đã thực hiện. Và để tạo vùng sâm nguyên liệu với diện tích 150ha theo mục tiêu đề ra của UBND tỉnh thì vấn đề bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trở nên cấp thiết. Giai đoạn 2012-2014, công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tạo nguồn giống sâm Ngọc Linh hứa hẹn tạo vùng sâm nguyên liệu nếu thành công trên thực tiễn. Bà Phan Thị Á Kim - chủ nhiệm đề tài cho hay, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ tạo mẫu invitro từ sâm củ, tạo mô sẹo, tạo phôi, tái sinh cây con. Bên cạnh đó, nhóm còn lấy tế bào từ lá, cuốn lá sâm tạo callus nuôi sinh khối và cây con vẫn phát triển tốt, đạt chiều cao ổn định, dáy củ hình thành khá rõ. Đó là minh chứng cho yếu tố chống chịu với môi trường tự nhiên tốt... Hiện nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị mọi điều kiện để đưa cây trồng thực nghiệm tại Trà Linh.

Quang cảnh  buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: H.L
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: H.L

Dự án ”Xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Ngọc Linh” dùng cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum” do ThS. Lê Minh Thảo chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học và các nhà quản lý. Thực hiện từ 11.2012-11.2013, dự án đã khảo sát vùng có sâm Ngọc Linh được phân bố và trồng truyền thống tại vùng Trà Linh (Nam Trà My), chọn đưa vào vùng CDĐL là 2.855,5ha. Dự án đã khảo sát, nghiên cứu các yếu tố đặc thù về sâm Ngọc Linh (hình thái, hàm lượng hợp chất saponin, sự tăng trưởng sinh khối, tuổi sâm...); các đặc thù về điều kiện tự nhiên như địa hình - địa mạo, địa chất, khí hậu và đặc thù yếu tố con người và tập quán canh tác... vùng trồng sâm. ThS. Lê Minh Thảo - chủ nhiệm dự án cho biết, sản phẩm từ dự án là căn cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng giúp Quảng Nam và Kon Tum đăng ký CDĐL với thương hiệu chung cho sản phẩm sâm của 2 tỉnh. Việc làm này nhằm bảo hộ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời làm cơ sở đầu tư, phát triển vùng dược liệu...

Trong khi đó, TS. Trương Sĩ Quý (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) và TS. Vũ Thị Phương Anh (Đại học Quảng Nam) cùng có chung nhận định về vùng đăng ký CDĐL: ”Không nên khu biệt vùng trồng sâm Ngọc Linh tại Trà Linh mà cần mở rộng vùng đăng ký. Cần khảo sát, nghiên cứu đối với cả những vùng di thực sâm có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với Trà Linh, có hàm lượng saponin tương đương”.

Đề cập tên thương hiệu trong CDĐL, PGS-TS. Đào Hữu Hòa (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) bày tỏ: ”Sâm Ngọc Linh không còn là thương hiệu của riêng Quảng Nam hay Kon Tum mà đã trở thành thương hiệu quốc gia. Tại sao không đăng ký CDĐL cho sâm Việt Nam, ví như sâm Triều Tiên hay sâm Lào, Trung Quốc... CDĐL “Ngọc Linh” là duy nhất cho cả 2 tỉnh nên 2 địa phương cần có sự phối hợp trong khâu đăng ký, xây dựng logo thương hiệu quảng bá. Tất nhiên, vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ là hết sức quan trọng. Không chỉ dừng lại đăng ký CDĐL ở Việt Nam, việc đăng ký CDĐL ra quốc tế trở nên cấp thiết nhằm bảo hộ thương hiệu” - PGS-TS. Đào Hữu Hòa nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO