Sáng 10.12, Sở KH-CN hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong triển khai đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Đề tài do TS. Lương Đức Toàn - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì, triển khai trong vòng 30 tháng (9.2017 - 2.2020).
Đề tài đã xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; nghiên cứu và phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh quy hoạch trên địa bàn Quảng Nam; nghiên cứu đặc tính đất và chất lượng sâm ngoài vùng quy hoạch; đề xuất các giải pháp phát triển sâm bền vững… Đề tài nghiên cứu mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch là vùng trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao từ 1.200m trở lên nằm ở phía tây nam huyện Nam Trà My, bao gồm 7 xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Linh, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Don, Trà Tập (huyện Nam Trà My) với phạm vi tiến hành điều tra khoảng 12.494ha. Đề tài cũng đã khảo sát chất lượng đất và sâm củ tại các vùng trồng sâm xã Ch’Ơm (Tây Giang) khoảng 450ha và vùng trồng sâm tại thôn 6, xã Phước Lộc (Phước Sơn) với diện tích khoảng 300ha…
Đề tài xác định chất lượng sâm củ, những yếu tố tự nhiên và con người quyết định đến tính đặc thù chất lượng sâm củ tại vùng đăng ký mở rộng phạm vi CDĐL “Ngọc Linh”; xác định được thực trạng đất đai vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh; mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL cho sản phẩm sâm củ ra các vùng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh... Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký CDĐL số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Nếu không có công cụ quản lý tốt thì CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ sẽ bị lạm dụng hoặc gây ảnh hưởng xấu trong quá trình trồng và kinh doanh sản phẩm sâm tại những vùng địa lý chưa được bảo hộ.
* Chiều cùng ngày, Sở KH-CN nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam”, đề tài do Th.S Trần Út chủ nhiệm, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chủ trì.
Theo Th.S Trần Út, đề tài đã khảo sát, học tập kinh nghiệm sản xuất cây sâm Ngọc Linh và các cây sâm khác có họ hàng gần với cây sâm Ngọc Linh tại một số tỉnh; nghiên cứu xác định các giải pháp kỹ thuật canh tác hợp lý cây sâm Ngọc Linh. Đồng thời chuyển giao kết quả nghiên cứu đến các địa phương và nhân dân trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật gieo ươm tạo giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây sâm tại 2 xã Trà Linh và Trà Nam (Nam Trà My) với 300 lượt nông dân và cán bộ tham gia. Đã phát hành 400 cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh, phát 1.000 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại sâm Ngọc Linh...