Mặc dù lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp chỉ đạo rất quyết liệt nhưng thực tế cho thấy trong đợt đầu tiêm phòng vắc xin cho đàn gia xúc ở hầu hết địa phương đều đạt tỷ lệ rất thấp...
Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trong quý I.2014 vi rút cúm A/H5N1 gây hại trên địa bàn 9 thôn của 8 xã thuộc 3 huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn khiến 16.188 con gia cầm bị nhiễm dịch chết hàng loạt, buộc phải tiêu hủy khẩn cấp. Cùng với bệnh cúm gia cầm, từ ngày 6.2 - 13.4, bệnh lở mồm long móng cũng bùng phát tại 8 thôn thuộc 7 xã của huyện Đại Lộc, Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức làm 77 con gia súc bị mắc bệnh nặng. Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngoài 2 loại dịch vừa nêu thì thời gian qua bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, niu-cat-xơn… cũng thường xuất hiện và gây hại đàn vật nuôi ở hầu hết địa phương của Quảng Nam.
Duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc để kìm hãm nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Ảnh: N.S |
Ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 21.450 con trâu bò, 24.154 con heo và gần 550.000 con gia cầm. Thống kê cho thấy, đợt 1 vừa qua toàn huyện tiêm được 10.704 liều vắc xin tụ huyết trùng, 13.680 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu bò, đạt 45,94 - 58,71% so với kế hoạch. Trong đó, Tam Lộc, Tam Lãnh, Tam An, Tam Đàn là những xã có tỷ lệ thấp nhất. Tương tự, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3.2014 Phú Ninh chỉ tiêm được 10.850 liều vắc xin dịch tả cho đàn heo, đạt 37,4% so với kế hoạch. Tuy nhiên, đó là con số bình quân chứ tại một số nơi như Tam Thành, Tam Đại… chỉ đạt dưới 30%. Ông Bằng nói: “Trước tình trạng đó, chúng tôi đang tập trung đôn đốc các địa phương nhanh chóng triển khai đợt tiêm phòng bổ sung, phấn đấu từ nay đến ngày 30.6 phải nâng tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được chích ngừa vắc xin lên ít nhất 80% so với tổng đàn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tái bùng phát những loại dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian tới”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay huyện Duy Xuyên có 13.983 con trâu bò, 44.723 con heo, 570.740 con gia cầm các loại. Trong đợt 1, lực lượng thú y chỉ tiêm được 6.189 liều vắc xin tụ huyết trùng và 7.948 liều vắc xin lở mồm long móng cho trâu bò, đạt 46 - 59% so với tổng đàn. Còn đối với heo thì cũng chỉ có 44% tổng đàn được tiêm phòng 3 bệnh đỏ là dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng. Thời gian qua ngành chuyên môn và người chăn nuôi ở Duy Xuyên đã tổ chức tiêm được 143.200 liều vắc xin ngừa dịch cúm A/H5N1 cho gia cầm. Thế nhưng, nếu so với tổng đàn gia cầm vừa nêu thì con số này quá khiêm tốn.
Không chỉ 2 địa phương trên, trong đợt 1 vừa rồi tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng các loại vắc xin ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đạt thấp. Theo Sở NN&PTNT, hiện có tổng cộng 211.800 con trâu bò, 490.000 con heo, 4.550.000 con gia cầm. Vậy nhưng, đợt 1 năm 2014 này toàn tỉnh mới có 35,18 - 64,05% đàn trâu bò được tiêm vắc xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Trong khi đó, trên đàn heo, chỉ có 2,21% được tiêm vắc xin lở mồm long móng, 20,78% tiêm vắc xin tụ huyết trùng, 30,67% tiêm vắc xin dịch tả. Đáng nói hơn, trong số 4.550.000 con gia cầm thì từ đầu năm đến nay mới chỉ có 519.029 con được chích vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1.
Tiêm bổ sung và giám sát ổ dịch
Trong kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2014 ban hành kèm theo Quyết định số 4070/QĐ-UBND ngày 23.12.2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu ngành liên quan, chính quyền các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vắc xin và đẩy mạnh khâu tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi để công tác này mang lại hiệu quả cao. Theo đó, tỷ lệ tiêm phòng phải đảm bảo đạt hơn 80% so với tổng đàn vật nuôi. Rõ ràng, với những số liệu mà chúng tôi vừa đề cập thì việc tổ chức tiêm phòng đợt 1 năm nay đã không đáp ứng được yêu cầu do UBND tỉnh đặt ra. Nhiều người lo ngại rằng, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, không tạo được miễn dịch tối ưu cho gia súc, gia cầm nên trong thời gian tới nếu các loại dịch bệnh nguy hiểm tái bùng phát thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ không nhỏ.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc tuyên truyền và phổ biến kế hoạch tiêm phòng đến người chăn nuôi chưa tốt. Công tác tổ chức, thực hiện khâu này ở một số nơi chưa khoa học nên các hộ dân không sẵn sàng hợp tác. Thậm chí, không ít huyện chỉ triển khai bằng văn bản, thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát ở cơ sở và chưa xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp không chấp hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP (ngày 9.10.2013) của Chính phủ… Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để kìm hãm nguy cơ tái xuất hiện những loại dịch bệnh trên vật nuôi, ngay từ bây giờ ngành thú y và các địa phương cần quyết liệt thực hiện việc tiêm vắc xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo phải đạt tỷ lệ hơn 80% theo yêu cầu của UBND tỉnh. Cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo chính quyền cơ sở và giao trách nhiệm cho trưởng thôn, nhân viên thú y trong việc giám sát để kịp thời xử lý các ổ dịch, không để mầm bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời thường xuyên lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút và kết hợp sử dụng bản đồ dịch tễ qua điều tra hồi cứu số liệu của các năm trước để xác định những vùng có nguy cơ cao, khu vực có ổ bệnh cũ nhằm cảnh báo sớm…
NGUYỄN SỰ