Nhiều điểm mới của Bộ luật Hình sự

TÙNG CHI (Tổng hợp) 08/12/2017 11:31

Từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực. Báo Quảng Nam giới thiệu một số điểm mới  nổi bật của BLHS 2015 sau khi sửa đổi, bổ sung.

Người đi bộ qua đường đúng Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: C.N
Người đi bộ qua đường đúng Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: C.N

BLHS năm 2015 gồm 3 phần, 26 chương, 426 điều. So với BLHS 1999, bộ luật này bãi bỏ 3 điều, giữ nguyên 30 điều, sửa đổi và bổ sung 396 điều, với nhiều nội dung lớn được sửa đổi. BLHS năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người vi phạm, tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013; trong đó, hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình thức ngoài phạt tù với việc quy định hình phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Bộ luật này cũng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do công dân theo hướng tiếp tục tăng cường bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ được miễn án tử hình

Điều 40 BLHS 2015 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.  Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:  phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Người đi bộ sai luật có thể bị ở tù

Người tham giao giao thông (bao gồm người đi bộ) vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử lý hình sự như sau: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng v.v.

Gian lận bảo hiểm y tế có thể bị phạt tù đến 10 năm

Điều 215 BLHS quy định, người nào chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng trở lên đến dưới 200 triệu đồng; đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt..., thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Bên cạnh đó, Điều 216 quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, có thể bị phạt từ 50 triệu đồng đến 7 năm tù, tùy hành vi, mức độ vi phạm.

Bị phạt tù nếu sa thải người lao động trái pháp luật

Điều 162 BLHS quy định, nếu người sử dụng lao động đuổi việc người lao động hoặc sa thải người lao động một cách trái pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm mà bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Trong đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 3 năm: đối với 2 người trở lên; đối với phụ nữ mà biết là có thai;  đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;  làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Ưu tiên” cho người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng

Theo BLHS 2015, trong một số trường hợp nhất định, “có nơi cư trú rõ ràng” là điều kiện cần để áp dụng hình phạt/chính sách có lợi cho người phạm tội trong những trường hợp như: cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Điều 38 về tù có thời hạn quy định không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng. Tương tự, một số trường hợp tha tù trước thời hạn, tha tù trước hạn có điều kiện cũng yêu cầu có nơi người phạm tội cư trú rõ ràng.

87 tội luật sư buộc phải tố giác thân chủ của mình

BLHS 2015 quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm nếu không tố giác thân chủ của mình trong trường hợp thân chủ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.  Trong đó có một tội danh như: tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước; tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội giết người; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

 TÙNG CHI (Tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều điểm mới của Bộ luật Hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO