Nhiều diện tích lúa ở Thăng Bình phải gieo sạ lại

GIANG BIÊN 30/12/2014 10:28

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết có mưa kéo dài, số diện tích lúa gieo sạ giống dài ngày như Xi23, 13/2 tại các vùng trũng trên địa bàn huyện Thăng Bình bị ngập úng và ốc bươu vàng gây hại khiến nhiều diện tích phải gieo sạ lại.

Từ khi bắt đầu đợt gieo sạ trà 1 vụ đông xuân 2014 - 2015, ông Lê Văn Tài (tổ 2, thôn Trà Long, xã Bình Trung, Thăng Bình) luôn túc trực ngoài đồng. Gia đình ông Tài có 4 sào ruộng đều gieo sạ giống lúa 13/2 theo đúng cơ cấu giống. Thế nhưng, đợt gieo sạ trà 1 đã kéo dài gần 10 ngày nhưng rất ít cây lúa mọc lên. Ông Tài đã phải sạ lại 3 lần và mỗi khi mưa xuống thì vất vả tát nước ra khỏi ruộng. Ông cho biết: “Đợt gieo sạ trà 1, gia đình tôi mua 20kg giống lúa 13/2 để gieo sạ. Thế nhưng mưa lớn kéo dài khiến cho số diện tích bị ngập úng, thối hết. Hai đợt trước, nhà tôi đi mua giống để gieo sạ, nhưng đợt 3 này tôi phải đi đổi của bà con hàng xóm chứ tiền đâu mà mua miết. Nhưng mới xuống giống đợt 3 này thì trời cũng mưa tầm tã. Giờ phải tát nước miết ri nhưng cũng không hy vọng nhiều”.

Nông dân tát nước cứu lúa. Ảnh: G.B
Nông dân tát nước cứu lúa. Ảnh: G.B

Hiện nay, nhiều diện tích lúa tại tổ 2 (thôn Trà Long, xã Bình Trung) phải gieo sạ lại, trong đó có nhiều diện tích gieo sạ rất nhiều lần. Ông Nguyễn Hơn -  Trưởng thôn Trà Long cho biết, toàn thôn có hơn 36ha lúa phải gieo sạ lại. Nhiều nông dân phải túc trực cạnh ruộng khơi thông dòng chảy và tát nước mỗi khi mưa xuống. Theo ông Võ Duy Anh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình, trong nhiều ngày qua, trạm cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đi xuống từng địa bàn để nắm tình hình. Hiện nay, theo số lượng thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có hơn 80ha lúa phải gieo sạ lại, tập trung ở các xã Bình Trung, Bình An. Ngoài ra, còn một số diện tích sạ lại nằm rải rác ở thị trấn Hà Lam, Bình Tú, Bình Giang… Nguyên do mưa kéo dài và bị ốc bươu vàng cắn phá. “Trước tình hình này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình đề nghị các địa phương có diện tích gieo sạ lại phải yêu cầu bà con nông dân sạ các giống trung và ngắn ngày để đảm bảo lịch thời vụ, đồng thời tích cực diệt ốc bươu vàng” - ông Anh nói.
Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình khuyến cáo, đối với các chân ruộng chưa gieo sạ cần cày bừa kỹ, cày sâu thì có thể diệt được ốc bươu vàng nằm vùi dưới ruộng. Cho nước vào ruộng sớm (trước khi sạ) để nhử ốc trồi lên kết hợp thu gom ốc bằng tay. Dùng vôi liều cao để trừ ốc  bươu vàng, ngoài ra còn giúp cải tạo đất. Đối đối với các chân ruộng mật độ ốc cao có thể dùng các biện pháp phun thuốc trừ ốc trước khi sạ 24 giờ, khi phun ruộng phải xâm xấp nước, sau 24 giờ rút nước và sạ bình thường. Đối với chân ruộng đã gieo sạ cần sử dụng thuốc sau 48 giờ, tốt nhất khi lúa đã nhú đọt, khi phun điều chỉnh mực nước để lú đọt lúa, giữ nước 5 - 6 ngày để diệt ốc còn sót lại. Về thuốc trừ ốc, hiện nay trên thị trường có rất nhiều hoạt thuốc trừ ốc khác nhau, nhưng cần lưu ý sử dụng thuốc theo khuyến cáo trên nhãn.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều diện tích lúa ở Thăng Bình phải gieo sạ lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO