Hơn 90% số doanh nghiệp du lịch Quảng Nam phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động sau gần 2 năm dịch Covid -19 tàn phá. Tuy nhiên, con số cuối cùng vẫn chưa dừng lại ở đó.
Cuối tháng 6 vừa rồi, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Traveller bình chọn Hội An là 1 trong 10 điểm du lịch không có ô tô đẹp nhất thế giới. Danh hiệu này dường như bị chìm lấp trước thông tin hơn 260 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP.Hội An đăng ký tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2021.
Hè lặng lẽ
Thay vì khởi đầu mùa du lịch, hè năm nay đánh dấu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ở 2 đầu đất nước, nơi được xem là thị trường nội địa chính của Quảng Nam. Những điểm tham quan Hội An, Mỹ Sơn tiếp tục vắng khách, những doanh nghiệp du lịch như ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Khách sạn Santa Sea Villa Hội An tiếp tục đối diện với khó khăn chồng chất.
“Hè được xem là mùa cao điểm của khách Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhưng dịch đã ngăn dòng khách này về Hội An nghỉ dưỡng. Cũng may tôi còn một số hoạt động ngoài du lịch nên vẫn có thể duy trì được khách sạn, nhưng rất chật vật” - ông Việt nói.
Tuy nhiên, tại Hội An số doanh nghiệp còn mở cửa như Santa Sea Villa chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất nhiều cơ sở đã đóng cửa, sang nhượng tài sản, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, hơn 90% doanh nghiệp du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động; nhiều doanh nghiệp đối diện khó khăn với các khoản nợ ngân hàng, thuế, bảo hiểm, nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... có thể giải thể, phá sản, kéo theo khoảng 14 nghìn lao động ngành du lịch mất việc làm.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Tổng Giám đốc Công viên Ấn tượng Hội An cho hay tại Công viên Ấn tượng Hội An, do ảnh hưởng dịch bệnh, hơn nửa năm qua hoạt động khá èo uột, riêng từ tháng 5 đến nay công viên đóng cửa hoàn toàn. “Cứ mỗi lần chúng tôi định mở cửa là dịch bùng phát, bây giờ chỉ còn biết nghe ngóng tình hình, cầu mong dịch bệnh sớm chấm dứt” - ông Hà nói.
Để duy trì hoạt động, công ty mẹ (quản lý Công viên Ấn tượng Hội An) phải hỗ trợ hầu như toàn bộ chi phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành và tiền lương, hỗ trợ cho hàng trăm nhân viên, diễn viên.
Khó khăn
Tính đến hết tháng 6 vừa qua, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt 372 nghìn lượt, giảm 51,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 12 nghìn lượt, giảm 97%; khách trong nước ước đạt 360 nghìn lượt, giảm 6,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 198 tỷ đồng, giảm 73,6% so với cùng kỳ.
Một số ý kiến cho rằng, sau 4 lần dịch bùng phát, gần như mọi doanh nghiệp du lịch đã chạm tới giới hạn về sức chịu đựng nên không ngạc nhiên khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel từng cảnh báo, sẽ không còn ngành du lịch nếu các đợt bùng phát dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Công ty Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng đã đóng cửa hoạt động từ đầu năm nay, hiện vẫn chưa biết khi nào mở cửa lại.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 850 cơ sở lưu trú, lữ hành, phần lớn quy mô nhỏ, hầu hết chịu áp lực từ vốn vay ngân hàng. Khảo sát trên các trang mạng môi giới bất động sản, chỉ trong hơn 1 tuần đầu tháng 7 có khoảng 25 khách sạn từ 2 sao đến 4 sao ở Hội An được rao bán.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đây là điều đã được dự báo trước sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Hầu hết doanh nghiệp đều vay vốn ngân hàng, bây giờ kinh doanh trì trệ ngoài đáo nợ ngân hàng còn phải tìm nguồn để duy tu bảo dưỡng tài sản nên việc rao bán, thoái vốn tài sản là khó tránh khỏi” - ông Thủy phân tích. Ngay như Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương của ông Thủy cũng đã đóng cửa hơn một năm nay.
Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc điều hành Khách sạn Victoria Hội An nhìn nhận, ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực thì hầu hết doanh nghiệp nhỏ sẽ khó trụ lại thị trường hiện nay. Tại khách sạn Victoria, bên cạnh được tập đoàn chủ quản hỗ trợ, từ đầu tháng 7 khách sạn cũng đã được chọn làm nơi cách ly tập trung cho 160 người về từ Nga trong thời gian 3 tuần nên trước mắt tạm đủ chi phí để duy trì hoạt động.
Dù vậy, đây cũng chỉ là nguồn thu ngắn hạn tạm thời, giải pháp lâu dài vẫn chủ yếu trông chờ hoàn toàn vào việc triển khai tiêm ngừa vắc xin rộng rãi. Đây được xem là yếu tố quyết định nhằm sớm đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp du lịch phục hồi phát triển.