Nhiều dự án du lịch vẫn ách tắc

VĨNH LỘC 08/06/2016 08:36

Đã qua hơn một tháng kể từ khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp giải quyết những tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An với các địa phương, sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, đến nay một số vướng mắc từ nhiều dự án vẫn chưa được tháo gỡ.

 Nhiều dự án tại Điện Bàn triển khai rất chậm chạp do vướng giải phóng mặt bằng cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư.  Ảnh: VĨNH LỘC
Nhiều dự án tại Điện Bàn triển khai rất chậm chạp do vướng giải phóng mặt bằng cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư. Ảnh: VĨNH LỘC

Còn nhiều vướng mắc

Trong số các dự án còn vướng mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết thì Điện Bàn có 9 dự án, chủ yếu là dự án du lịch ven biển thuộc 2 phường Điện Dương và Điện Ngọc gồm: dự án khu du lịch của Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ Sông Hàn; dự án câu lạc bộ biển Blush Hội An; trung tâm hội nghị và nhà khách khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; khu du lịch của Công ty CP Thiên Đường Cổ Cò; khu du lịch của Công ty Lũng Lô 5; dự án khu du lịch Malibu; dự án khu du lịch sinh thái Vina Capital Hội An và dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản du lịch Hà My; khu đô thị thương mại dịch vụ bắc Hội An; khu đô thị du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp Điện Dương. Bên cạnh những vướng mắc về định giá, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư… thì những hạn chế về năng lực tài chính từ phía nhà đầu tư cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Tại dự án khu du lịch của Công ty CP Thiên Đường Cổ Cò (ở Điện Dương, diện tích 32,18ha) gồm 2 phần là phía tây đường ĐT603 (12,08ha) và phía đông đường ĐT603 (20,1ha). Trong khi lề phía tây đã kiểm kê xong, công tác đo đạc giải thửa cũng đã hoàn tất thì phần diện tích lề phía đông, việc kiểm kê nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu mới đạt khoảng 80% khối lượng. Trong đó, vướng mắc chủ yếu là giải quyết bồi thường cho 49 hồ tôm (2,1ha) đến nay vẫn chưa được nhà đầu tư thống nhất. Theo ông Lê Thương - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với nhà đầu tư kiểm kê và áp giá bồi thường theo quy định và trình UBND thị xã phê duyệt. Tuy nhiên, khi có quyết định phê duyệt, đề nghị nhà đầu tư chuyển tiền để chi trả cho dân thì nhà đầu tư không chịu vì cho rằng kế hoạch sử dụng đất đối với 49 hồ tôm sang năm 2017 mới triển khai nên không thể bố trí kinh phí được, đồng thời nhà đầu tư đề nghị thu hồi quyết định. “Tôi đã báo cáo UBND thị xã và nhà đầu tư có văn bản gửi UBND thị xã, về mặt chủ trương UBND thị xã đồng ý nhưng đề nghị chủ đầu tư phải có báo cáo bằng văn bản lý do về việc thu hồi quyết định và xem xét hoàn trả lại chi phí cho cơ quan lập phương án bồi thường (Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn) theo quy định của Nhà nước (1,8%) nhưng cũng chưa ngã ngũ” - ông Thương nói.   

 Tương tự, các dự án khu du lịch của Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ Sông Hàn hay dự án khu du lịch sinh thái Vina Capital Hội An; khu du lịch của Công ty Lũng Lô 5… việc triển khai cũng khá chậm do vướng mắc từ nhiều phía. “Ở đây, một mặt người dân không đồng tình chính sách, luật này, luật kia nhưng vấn đề quan trọng là phía nhà đầu tư chi trả cho dân không kịp thời. Lúc có tiền thì không có mặt bằng, bây giờ có mặt bằng thì tiền bồi thường cho dân không có. Trung tâm đã tham mưu với UBND thị xã sẽ tổ chức phiên họp giữa nhà đầu tư với các bên liên quan tìm xem lỗi thuộc về ai để khắc phục, giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án” - ông Thương cho biết thêm.

Nan giải bố trí tái định cư

Có thể nhận thấy, một trong những lý do khiến các dự án khó triển khai đúng tiến độ là do việc giải phóng mặt bằng chậm chạp, nhất là lúng túng trong việc bố trí tái định cư. Ông Đinh Hùng Liên - Chủ tịch UBND phường Điện Dương khẳng định, địa phương luôn hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng quan điểm chung là khi thực hiện công tác bồi thường giải tỏa thì phải có khu tái định cư. Ngoài ra, mức giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất và mức giá tại các khu tái định cư chênh lệch khá lớn nên nhà đầu tư phải có chính sách hỗ trợ để người dân an tâm khi bàn giao mặt bằng… “Làm gì thì làm nhưng phải có nơi tái định cư, lúc đó mới thực hiện kiểm kê, giải tỏa, còn ngược lại thì chính quyền dứt khoát không ủng hộ. Vì khi giải tỏa, giao nhà giao đất xong dân chúng tôi sẽ đi đâu, ở đâu. Cho nên vướng chủ yếu vẫn là từ phía doanh nghiệp. Chỉ cần chủ đầu tư quan tâm thực hiện các biện pháp giải phóng mặt bằng đi đôi với xây dựng các khu tái định cư thì lúc đó các dự án sẽ triển khai thuận lợi” - ông Liên chia sẻ. Hiện tại, phường Điện Dương có khoảng 7 dự án đang triển khai, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 600 hộ. Tuy nhiên, ngoài khu tái định cư Hà My Đông A (40ha), những khu tái định cư của các dự án khác như khu dân cư làng chài Điện Dương, khu tái định cư của Công ty CP Thiên Đường Cổ Cò, khu dân cư Thống Nhất… mới đang trong quá trình kiểm kê, giải phóng mặt bằng hoặc chờ xác định giá đất cụ thể.

Theo ông Lê Thương, vấn đề bức thiết của thị xã cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh là phải làm những khu tái định cư để có đủ điều kiện bán đất, bố trí dân vô ở, nếu không dân sẽ khó chịu di dời bàn giao mặt bằng. Điển hình như dự án Sông Hàn hiện có 17 hộ dân bị ảnh hưởng chưa chịu di dời, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn đề xuất với UBND thị xã ban hành thông báo thu hồi đất, tổ chức họp dân nhưng mời 2 lần  dân vẫn không đi đủ. Đặc biệt, khi triển khai kiểm kê để bồi thường cho dân theo giá cụ thể thì dân không đồng tình, không ký văn bản và bỏ về. “Theo luật mới, nhà đầu tư bồi thường với giá cụ thể cho dân và dân tự tìm nơi tái định cư cho nên UBND thị xã sẽ có buổi đối thoại với dân để nói về chủ trương, thông báo thu hồi đất cũng như nói về phương án tái định cư, chính sách về nguồn hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đất ở phải đổi theo đất ở tái định cư vì hiện nay tồn tại thực tế là một số dự án do bị ảnh hưởng thu hồi đất nhiều lần trước đây (thu hồi đường ven biển, thu hồi trong lòng dự án, thu hồi vệt cây xanh…) nhưng giá bồi thường từng thời điểm khác nhau (thu hồi giá rẻ nhưng mua lại giá đắt) nên người dân không đồng tình. Chúng tôi cũng xin ý kiến của UBND thị xã và gửi văn bản cho UBND tỉnh vì dân họ đề nghị bình quân giao quyền, nghĩa là cộng giá đất bồi thường và giá đất tái định cư rồi chia đôi” - ông Thương nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều dự án du lịch vẫn ách tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO